Phụ huynh nữ và nỗi băn khoăn "quà cho cô giáo"

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 8/3, thay vì hân hoan mong chờ được nhận quà tặng từ cánh đàn ông thì không ít chị em đã có gia đình lại phải đau đầu lo nghĩ đến việc mua gì để tặng… cô giáo của con mình.

Phụ huynh nữ và nỗi băn khoăn “quà cho cô giáo”

Ngày 8/3, nhận những đóa hoa, những lời chúc mừng chân thành từ học sinh, phụ huynh với mỗi cô giáo, dường như bao vất vả của nghề dạy học cũng đều tan biến. Ảnh: T.L

Mình cũng là nữ, sao phải tặng hoa?

Để giải quyết nỗi băn khoăn này, một số chị em, đặc biệt là các bà mẹ một con thường học hỏi các đàn chị ở cơ quan, công sở.

Những câu hỏi thường được đề cập đến là: Ngày 8/3 có nên mua quà tặng cô giáo hay không? Mua quà gì thì hợp lý? Tặng quà hay tặng phong bì? Phong bì bao nhiêu?...

Lạ lùng là những nỗi băn khoăn lo lắng “tặng quà cho cô giáo” này luôn thường trực ở các phụ huynh không phải chỉ mỗi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà dường như là hầu hết các ngày lễ trong năm: Ngày 20/10, ngày Tết Dương lịch, ngày Tết Nguyên đán, ngày 8/3… Lạ lùng hơn nữa là vào những ngày lễ phụ nữ, thay vì được làm “chủ nhân” thì các chị em lại biến mình thành… khách mời.

Cách đây không lâu trên một diễn đàn mạng xã hội, các “bà mẹ vĩ đại” đã dành hẳn một topic cho chủ đề “Tặng quà gì cho cô giáo nhân ngày 8/3”.

Một người mẹ trẻ đề xuất ý kiến: “Quà cho các cô có thể là đồ mỹ phẩm như son, dưỡng da, hoặc là dầu gội, sữa tắm (loại tốt), hoặc là vải may áo dài.

Em chỉ nghĩ ra được thế thôi, các mẹ khác có ý tưởng gì khác thì chia sẻ”. Sau khi nêu ý kiến, người mẹ này bộc lộ cảm xúc rất thật: “Nhanh thật, mới qua Tết lại đã đến 8/3 rồi, méo cả mặt vì lớp của con có những... 4 cô!”.

Cũng cảm xúc này, một người mẹ trẻ khác viết: “Mới trước Tết đã đưa phong bì cho 3 cô, mỗi cô 200.000 đồng. Vậy mà nhoáng cái đã đến ngày 8/3 rồi.

Ôi! mẹ cháu chóng mặt và muốn... xỉu quá. Vì lớp Bống kể cả cô bảo mẫu nữa là 4 cô. Các mẹ ơi! làm sao nhỉ? Ôi! mà sao mới đầu năm đầu tháng đã mắc căn bệnh... than Quảng Ninh thế này?”.

Chị Nguyễn Thị Ánh, ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội cho biết, vào ngày lễ 8/3 hay 20/10, chị không “đi” phong bì hay tặng quà cho cô giáo của con.

“Tôi thường chỉ “đi” phong bì cho thầy cô của con vào đúng ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam mà thôi. Đơn giản tôi thấy Ngày phụ nữ Việt Nam hay ngày Quốc tế phụ nữ là ngày lễ của chị em, nhìn các phụ huynh nữ khác hì hụi ôm hoa đến tặng cô giáo của con mình, tôi thấy cứ tồi tội sao ấy.

Tôi không muốn mình trở nên đáng thương như vậy. Ngày của mình, mình sẽ là người nhận hoa, nhận quà chứ cớ sao phải đi tặng người khác”, chị Ánh nói.

Nếu không muốn thì đừng làm

Nêu ý kiến về việc phụ huynh nữ tặng quà cho cô giáo nhân ngày Quốc tế phụ nữ, TS Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc tặng quà, tặng phong bì cho thầy cô dường như đã bị biến tướng, trở thành một hủ tục.

Ban đầu là lỗi của các phụ huynh, họ tặng quà cho cô là bởi quan niệm “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Họ tặng quà và đi phong bì cho cô là để lấy lòng giáo viên với hy vọng vì mình “yêu” cô như thế thì con mình cũng sẽ được cô yêu, cô quan tâm.

Nhưng lâu dần, câu chuyện “yêu thầy” của các phụ huynh dần trở thành “lệ”. Vì nó trở thành “lệ” nên cứ đến ngày lễ là một số cô giáo lại ngóng xem phụ huynh có phong bì hay không.

Còn các bà mẹ thì ngày lễ nào cũng cứ nháo nhào lên lo quà tặng, phong bì cho cô giáo của con mình. Chính các phụ huynh tạo ra cái nếp xấu đó. Họ tự nguyện “cống nộp”, nhưng sau khi “cống nộp” rồi lại quay sang khó chịu bởi vì mình mất tiền…

Việc các phụ huynh nữ tỏ ra “mệt mỏi” vì phải lo quà tặng cho cô giáo ngày 8/3 là hợp lý về lôgic tâm lý. Vì bản chất ngày 8/3 hay ngày 20/10 là ngày lễ của tất cả chị em.

Đã là ngày lễ của mình thì về mặt tâm lý, chị em nào cũng muốn được người khác quan tâm, mà cụ thể ở đây là sự quan tâm từ cánh mày râu.

Nếu chị em có tặng nhau đi nữa thì đó là sự thể hiện tình cảm, mối quan hệ thân thiết, muốn mang lại cho nhau niềm vui. Và đó phải là tình cảm thật lòng chứ không phải tặng như một nghĩa vụ và trách nhiệm.

“Trong trường hợp nữ tặng cho nữ cũng được, nhưng đây chỉ là quan tâm đến nhau, tặng cái gì đó mang tính chất tượng hình, một bông hoa, một món quà mà bạn yêu thích hay đơn giản chỉ một cử chỉ chân thành để làm cho bạn cùng giới hạnh phúc hơn thì được.

Còn tặng quà cho cô mà chẳng có tình cảm gì, chẳng yêu quý gì mà chỉ vì “trách nhiệm” thì đương nhiên sẽ dẫn đến mệt mỏi, khó chịu.

Bởi, chẳng phụ huynh nào phải có “trách nhiệm” tặng quà cho cô giáo cả. Đó là điều phi lý. Bắt mình làm một điều phi lý trước hết là hãy trách chính bản thân mình”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi cho đi hay tặng ai cái gì đó thì người cho chính là người hạnh phúc đầu tiên rồi mới đến người nhận.

Còn trong trường hợp không muốn làm việc đó, không đủ khả năng làm điều đó thì tốt nhất là hãy dừng lại.

Đừng vì những nỗi lo sợ mơ hồ, viển vông, thiếu cơ sở mà đẩy mình và cô giáo của con vào những tình huống giả tạo, thiết lập nên các mối quan hệ giả tạo để rồi tự mình mua lấy những nỗi khó chịu, mệt mỏi không đáng có.

Nếu đúng là có chuyện trù dập, thờ ơ, không quan tâm từ phía giáo viên bởi vì lý do “không có quà” đi chăng nữa thì phụ huynh phải dũng cảm đối mặt để giải quyết. Bởi nếu mình “hèn” thì sẽ không thể nuôi dưỡng được bản lĩnh cho con cái của mình.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi cho đi hay tặng ai cái gì đó thì người cho chính là người hạnh phúc đầu tiên rồi mới đến người nhận. Bởi vậy mà lời khuyên đối với các phụ huynh là, nếu thực sự muốn tặng quà cô, muốn cảm ơn cô, muốn giúp đỡ cô vì mình đủ khả năng… thì hẵng làm.

Còn trong trường hợp không muốn làm việc đó, không đủ khả năng làm điều đó thì tốt nhất là hãy dừng lại. Đừng vì những nỗi lo sợ mơ hồ, viển vông, thiếu cơ sở mà đẩy mình và cô giáo của con vào những tình huống giả tạo. Bởi như thế sẽ không thể giáo dục con trở thành người có bản lĩnh.

Theo giadinh