Theo dõi 70 người tiếp xúc với gia cầm ốm, chết vì cúm A(H5N1)

Theo thông tin từ ngành y tế tỉnh Nam Định, địa phương này đang có 70 bệnh nhân được theo dõi cúm A(H5N1) do có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Theo dõi 70 người tiếp xúc với gia cầm ốm, chết vì cúm A(H5N1)

Cúm gia cầm đang xảy ra ở Nam Định (ảnh minh họa)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con (trong đó, 8.930 con vịt, 240 con gà).

Hiện nay, các cơ sở y tế đã lập danh sách 70 người đã tiếp xúc với gia cầm ốm, chết ở các ổ dịch A/H5N1 để theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định.

Theo đó, các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết được lưu ý để báo cho Trung tâm y tế huyện, thành phố, Trung tâm y tế dự phòng lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, vi rút cúm A(H5N1) khi lây nhiễm trên các đàn gia cầm thường gây hiện tượng chết gia cầm hàng loạt nên dễ phát hiện các ổ dịch.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát gần đây, trên các đàn ngan, vịt có hiện tượng nhiễm vi rút cúm A(H5N1) nhưng không có biểu hiện bệnh. Bệnh do cúm A(H5N1) trên người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%.

Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm cúm quốc gia song chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) trên gia cầm và trên người, khống chế thành công cúm A(H5N1), trong 2 năm qua không ghi nhận trường hợp mắc mới ở người.

Tuy nhiên, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, trong tháng 01/2017 đã xảy ra một dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của nước ta.

Bộ Y tế đã có các Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn ngừa việc nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, vận chuyển trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây truyền sang người; đồng thời đã ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, xử lý khi có ổ dịch xảy ra.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia, đến nay nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm gia cầm bao gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) đồng thời có thể giải trình tự gen để phát hiện sự biến chủng của vi rút. 

Theo Infonet