Rác thải y tế độc hại xử lý tại Bệnh viện Bạch Mai

Nhân viên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngồi cắt dây, ống truyền dịch... còn dính máu, nghiền nát và tự xử lý trong khi đây là rác thải y tế nguy hại.

Nhiều bệnh nhân lo lắng, cho rằng rác thải y tế độc hại tại Bệnh viện Bạch Mai bị thẩm lậu hàng trăm kg ra bên ngoài đến các làng nghề để tái chế. Giải thích trong buổi họp báo chiều 8/1, đại diện bệnh viện cho biết rác thải của viện được phân làm 3 loại: rác thải thông thường, tái chế (giấy vụn, chai dịch truyền huyết thanh, can nhựa, chai thủy tinh...) và nguy hại gồm vật liệu sắc nhọn, lây nhiễm (dây chuyền, bông băng, kim tiêm dính máu...), chất thải phóng xạ và các độc tế bào.

Tổng lượng rác thải mỗi ngày tại Bệnh viện Bạch Mai khoảng 5,7 tấn; trong đó rác thải thông thường 4,5 tấn, tái chế 3 tấn và 800 kg rác thải nguy hại. Rác thải thông thường và nguy hại được bệnh viện hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị 10 (Urenco 10 Hà Nội) để xử lý.

Theo quy định, những ống tiêm, dây truyền có dính máu, dịch... được bỏ vào túi nilon màu vàng, buộc kín túi, sau đó cho vào các thùng nhựa màu vàng, đại diện bệnh viện giải thích. Nhân viên Urenco 10 lấy rác ngày 2-3 chuyến chở đi xử lý bằng cách đốt.  Tuy nhiên gần đây một số rác thải y tế như dây dịch truyền, bơm kim tiêm dính máu… được giữ lại và tái chế ngay tại khuôn viên bệnh viện.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (áo trắng) thừa nhận có việc tự xử lý rác thải y tế nguy hại tại khoa. Ảnh: Nam Phương. 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (áo trắng) thừa nhận có việc tự xử lý rác thải y tế nguy hại tại khoa. Ảnh: Nam Phương.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc xử lý rác tại bệnh viện nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. Theo đó khoa đang thử ứng dụng công nghệ hấp lò tiệt trùng để biến rác thải nguy hại thành rác thải thân thiện với môi trường, có thể tái chế được. Trước khi đưa vào lò hấp, rác được cắt nhỏ, nghiền nát, ngâm qua hóa chất xử lý sau đó đưa vào lò hấp.

“Thử nghiệm 30 mẻ, sau hấp chúng tôi phát hiện rác thải này không còn vi khuẩn. Chúng tôi mới tiến hành thí nghiệm vài tháng gần đây và không có chuyện tuồn rác thải y tế độc hại ra ngoài”, ông Hùng nói. Vị trưởng khoa này thừa nhận đây là việc làm của khoa, không phải chủ trương bệnh viện và nhận toàn bộ trách nhiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định nghiên cứu này chưa được hội đồng khoa học bệnh viện thông qua. Bệnh viện có quy trình kiểm soát rác thải y tế rất chặt chẽ từ khâu phân loại, cô lập, vận chuyển. Đơn vị nào phân loại sai thì khoa bị phạt tiền, nếu để rác thải nguy hại thẩm lậu ra môi trường sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất. Theo ông Hiền, Ban giám đốc Bệnh viện sẽ họp và xem xét sai phạm kỷ luật cá nhân, tập thể.

Ông Ngô Quý Châu, Phó giám đốc bệnh viện cũng cho biết đã yêu cầu ngừng các hoạt động hấp, sơ chế rác thải tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Đầu tháng 9/2015, trước tình trạng một số bệnh viện để chất thải y tế độc hại ra môi trường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các viện kiểm tra chặt quản lý chất thải y tế. Giám đốc các cơ sở y tế phải tăng cường quản lý chất thải y tế của bệnh viện; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài môi trường.

Theo Nam Phương (Vnexpress)