Sao con không nắm chặt tay mẹ?

Tại phiên tòa, khi các con lớn tiếng tranh cãi về việc chia tài sản và đùn đẩy việc nuôi mẹ, sau lưng họ, người mẹ già buồn tủi khóc nghẹn. Những giọt nước mắt chua xót lăn dài trên khuôn mặt già nua, khắc khổ.

Chiều mưa tầm tã, cụ M. lụm cụm chống gậy tới tòa. Trên tay cụ là cái bọc nhỏ mà khi tôi đưa tay ngỏ ý xách giúp, cụ nhất định không cho. Khi cụ lần giở tư trang, chỉ là vài bộ quần áo sờn cũ, một xấp ảnh đen trắng đã ố màu.

Một bức ảnh chụp gia đình đông đủ với hai vợ chồng và tám người con mà có lẽ ai nhìn cũng vui lây với phúc lộc con cái của họ. Đông con hơn đông của, hẳn tuổi già của cụ được đầm ấm vui vầy bên con cháu. Mấy ai biết, vào cái tuổi gần đất xa trời này, cả tám người con đều quay lưng, bỏ mặc mẹ già không nơi nương tựa, lần mò kiếm ăn qua ngày.

Tại phiên tòa, khi các con lớn tiếng tranh cãi về việc chia tài sản và đùn đẩy việc nuôi mẹ, sau lưng họ, người mẹ già buồn tủi khóc nghẹn. Những giọt nước mắt chua xót lăn dài trên khuôn mặt già nua, khắc khổ.

Một mẹ nuôi tám con...

Cụ bà kể mình lấy chồng năm 20 tuổi, cuộc sống từng rất hạnh phúc. Tám người con (sáu trai, hai gái) lần lượt chào đời, đứa nào cũng khỏe mạnh, ngoan, nghe lời cha mẹ. Hai vợ chồng làm việc cật lực cho các con ăn học, cố gắng tích cóp tài sản cho con. Các cụ thương yêu rất công bằng, không coi trọng trai gái. Các người con ai cũng thành đạt, có của ăn của để. Người là công an, người là luật sư, người là viên chức, người buôn bán nhỏ. Hai cụ cũng đã tạo lập được hai căn nhà, một căn ở Q.6, căn kia ở Q.8. Hai người dự tính, khi về già sẽ bán đi một căn chia cho các con, căn còn lại giao cho người con cả để làm nơi thờ cúng ông bà và phụng dưỡng cha mẹ.

Sau khi cụ ông mất, căn nhà ở Q.6 được thông báo nằm trong khu quy hoạch. Nhận tiền đền bù được hơn tám tỷ đồng, cụ bà họp các con lại, chia đều cho tám người con. Cụ giữ lại một tỷ đồng cho mình dưỡng già, hương khói cho ông và nhiều việc khác phải làm. Căn nhà còn lại, cụ giao cho ông T., con trai cả quản lý, với điều kiện, ông phải đưa cho các em mỗi người một ít tiền, bảy người còn lại phải đồng ý ký giấy tờ cho ông hợp thức hóa căn nhà. Cụ cũng cho biết sẽ ở với các con mỗi người một tháng. Cụ cho rằng như vậy là mình đã chia đều tình cảm và vật chất cho tất cả các con. Mọi việc đã được thống nhất, các con cụ vui vẻ nhận tiền mẹ đưa.

Nhưng tám con không nuôi nổi một mẹ

Sau khi nhận tiền, các con của cụ người mua nhà, người góp vốn làm ăn, có người tiêu xài hết. Việc ký giấy cho ông T. hợp thức hóa căn nhà ở Q.8 cứ nhập nhằng. Trong số đó, có ba người đồng ý ký, bốn người còn lại thì không. Họ cho rằng, ông T. được mẹ cho học hành thành đạt, nay làm công an mà nhận nhà ở là vô lý, mẹ đã thiên vị. Ông T. làm đơn kiện ra tòa.

Căn nhà ở Q.6 không còn. Cụ dọn đến ở với ông T. tại căn nhà ở Q.8, một thời gian sau thì xảy ra nhiều mâu thuẫn. Sau đó, cụ dọn ra ở với cô con gái út tên K. nhưng bà K. cũng không mấy mặn mà với việc mẹ đến ở. Trước đây, đã thống nhất là ở với mỗi người một tháng, nên cụ luôn canh lịch để sẵn sàng dời đi. Các con nay đã có gia đình riêng, ai nấy lo vun vén hạnh phúc. Đối với người mẹ già, nơi tiễn thì không mấy lưu luyến, nơi đến thì không ai mảy may chào đón. Số tiền cụ giữ lại cho mình lần lượt được các con “hỏi mượn” hết. 

Cụ đã ngoài 80 tuổi và hơi lẫn, nói trước quên sau. Điều này khiến các con cụ, lẫn dâu, rể không thoải mái khi mẹ đến ở cùng. Sức khỏe đã yếu, lại không được ăn uống đầy đủ nên cụ gầy guộc. Hàng ngày, cụ đi lang thang ngoài đường, đến bữa lần mò vào chùa kiếm cơm ăn, đến tối thì xin chùa cho ngủ lại.


Sao con không nắm chặt tay mẹ?

Ảnh minh họa (Internet)

Cái "lý" không "chân"

Trong đơn gửi tòa, ông T. trình bày, khi được mẹ chia tiền thừa kế, ông đã đưa tiền hết cho các em theo ý nguyện của cha mẹ. Khi nhận tiền, các em ông đã hứa sẽ ký giấy cho anh cả làm giấy tờ nhà nhưng sau đó lại nuốt lời. Ông phải kiện ra tòa để đòi quyền lợi của mình. Những người em thì yêu cầu ông T. phải cấp dưỡng mỗi tháng ba triệu đồng cho bà K. nuôi mẹ. Hoặc ông T. phải đón mẹ về nhà nuôi, những người còn lại không phải cấp dưỡng.

Một người con là ông H. và bà K. đại diện cho bảy người con còn lại đến tòa. Bà K. cho rằng, gần bốn năm qua, cụ M. ở với mình. Số tiền nhận được từ mẹ, bà đã tiêu hết. Hai mẹ con phải ở nhà thuê, tiền bà đi làm công hàng ngày không đủ cho hai mẹ con. Nhiều lần bà yêu cầu ông T. đưa tiền cho mình mua đồ ăn cho mẹ và đóng tiền nhà, nhưng ông T. không đồng ý: “Tôi là con gái, chỉ có một mình, lo thân chưa đủ, làm sao có thể lo cho mẹ được. Anh ấy học hành thành đạt, lương cao, được ở nhà của bố mẹ, giờ phải có trách nhiệm lo cho mẹ chứ”.

Ông H. cũng cho rằng, việc nuôi mẹ phải do ông T. lo liệu. Ông không được học hành đầy đủ như ông T. nên nay phải đi làm thuê. Ông cũng phải lo cho vợ con. Ông H. khẳng định ông T. là anh cả, được ở nhà cha mẹ thì phải nuôi mẹ. Số tiền thừa kế được chia, ông cũng đã tiêu xài hết rồi.

Người đại diện của ông T. cho biết, ông không đồng ý cấp dưỡng mỗi tháng là do không muốn đưa tiền cho bà K., vì bà K. được chia tiền thừa kế không mua nhà ở, đi ở nhà thuê lại bắt ông đóng tiền. Ông chỉ muốn đón mẹ về và những người còn lại không phải cấp dưỡng nhưng mẹ ông lại không chịu. Bản thân ông T. là công an, là đảng viên mà anh em của ông cứ lên cơ quan làm ầm ĩ khiến mấy lần ông T. bị nhắc nhở. “Còn vài năm nữa tôi về hưu, thu nhập chẳng bao nhiêu mà còn phải nuôi các con ăn học. Việc nuôi mẹ cũng là một sự cố gắng”, ông T. phân trần.

Không ai chịu ai, tất cả những người con đều gay gắt, to tiếng giữa phiên tòa. Duy có một điểm chung ở họ, khi tòa hỏi về việc thời gian qua, mẹ của họ sống ở đâu, sức khỏe thế nào, những người con đều trả lời không biết: “Chúng tôi còn có cuộc sống riêng, tối ngày lo đi làm thì thời gian đâu nghĩ đến mẹ nữa”. Những người dự khán không khỏi xót xa và thấy bất nhẫn thay cho cụ M.

Hội đồng xét xử ngán ngẩm không hỏi gì thêm. Vị chủ tọa ngậm ngùi: “Các anh chị cũng có con phải không. Nuôi con phải chịu biết bao khổ cực, khó nhọc, con ho một cái cũng chẳng ăn, chẳng ngủ được. Mẹ của các anh chị ngày xưa cũng vất vả nuôi các anh chị như thế. Tại sao giờ mẹ già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa thì bị các con hắt hủi? Việc cấp dưỡng nuôi mẹ già cũng đùn đẩy cho nhau?”. Những người con của cụ M. đều im lặng.

Việc ông T. đón mẹ về ở, không cần các em phải cấp dưỡng được tòa chấp thuận. Tòa yêu cầu những người em còn lại ký vào giấy cam kết để ông T. được sở hữu căn nhà. Thế nhưng, một tình huống tòa không lường được là cụ M. kịch liệt phản đối. Cụ gần như hét lên: “Tui không đồng ý đâu. Nhất định tui không đồng ý. Tui thà ở với con K. đói no khổ cực tui chịu hết. Nó không cho ở, tui sẽ đi lang thang. Tui không về ở với thằng T. đâu. Nó đón mẹ về mà chỉ cho mang theo có mấy bộ quần áo, đồ đạc của tui thì không cho đưa về. Tui già rồi, muốn có cái phòng riêng để được yên tĩnh nó không cho. Thêm vợ nó bạc bẽo nữa. Tui không chịu đâu”.

Nói rồi cụ bật khóc. Vị chủ tòa phải dừng phiên tòa để an ủi: “Cụ đã cao tuổi, cứ đi lang thang như thế không được đâu, có con cháu đêm hôm vẫn đỡ hơn. Lỡ có bề nào… Mẹ chồng nàng dâu có gì khó khăn thì mỗi người nhịn một tí là ổn”. Các con của bà cũng đồng ý : “Mẹ phải về ở với anh T. chứ tụi con không lo cho mẹ được đâu”.

Cuối cùng cụ M. chấp thuận phán quyết của tòa. Các con cụ dù biết mẹ không muốn nhưng cũng mặc kệ.

Ai rồi cũng sẽ già

Tình thương cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện và vô hạn. Đối với cha mẹ, con cái là tất cả, nhưng đối với nhiều người con, cha mẹ chỉ là gánh nặng. Các bậc cha mẹ tự an ủi mình rằng “nước mắt chảy xuôi”, mọi chuyện đều cho qua, cuộc sống một phần cũng là duyên, là phước. Cụ M. trong câu chuyện này, và rất nhiều cụ già khác bị con cái chối bỏ, họ thật bất hạnh. Còn gì cay đắng hơn khi bị con cái mình sinh ra, nuôi nấng lại lạnh lùng chối bỏ, để những người cha người mẹ đơn độc chống chọi với tuổi già, bệnh tật và sự bất an.

Rồi ai cũng sẽ già đi, cũng sẽ đến lúc gần đất xa trời. Liệu họ, những người con đã chối bỏ cha mẹ mình có bao giờ nghĩ đến một ngày mình già đi và cũng bị con cái đối xử như mình từng đối xử với cha mẹ không?

Xin được dẫn những câu thơ này để khép lại câu chuyện không hồi kết về chữ hiếu: “Con ơi, bây giờ mẹ chân đi không vững/ Nhấc chân không nổi nữa rồi/ Mẹ xin con hãy nắm chặt tay mẹ/ Dìu mẹ chậm thôi/ Như năm đó/ Mẹ dìu con đi/ Những bước đầu đời”.

Theo Huyền Trân (Phụ nữ Online)