Ngủ đủ vẫn... mệt mỏi

Thông thường ngủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp cơ thể phục hồi trạng thái khỏe mạnh, nhưng nếu đã ngủ đủ mà bạn vẫn cảm thấy người uể oải, thiếu năng lượng thì cần xem mình có gặp vấn đề nào dưới đây không.

Ngủ đủ vẫn... mệt mỏi

Không tập thể dục

Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian cho công việc và ngồi trên bàn làm việc gần 8 tiếng đồng hồ. Duy trì thói quen ít vận động có thể ảnh hưởng tới cơ thể và trí não nhiều hơn bạn tưởng.

Không tập thể dục là nguyên nhân khiến cơ thể không giải phóng được năng lượng và trở nên chậm chạp hơn, điều này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, không mang lại giấc ngủ chất lượng mà bạn cần.

Tạo dựng thói quen tập thể dục hàng ngày không khiến bạn thêm mệt mỏi mà ngược lại giúp trẻ hóa cơ thể và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Dù vào buổi sáng sớm, giờ nghỉ trưa hay buổi chiều tối, dành chút thời gian vận động sẽ mang lại nhu cầu ngủ tự nhiên cho cơ thể.

Cơ thể mất nước

Mất nước góp phần tạo nên trạng thái mệt mỏi của cơ thể. Nhiều người uống các loại đồ uống có đường hay caffeine vẫn cảm thấy không khỏe bởi những đồ uống này không mang lại lợi ích nhiều như nước lọc.

Cơ thể thiếu nước, mất nước khiến cho các cơ quan không làm việc hiệu quả, tim vận chuyển oxy với tốc độ chậm, từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.

Đảm bảo uống từ 8-10 cốc nước mỗi ngày và tránh các thức uống có đường là cách giúp bạn ngăn ngừa tình trạng sụt giảm năng lượng của cơ thể.

Do 85% não chúng ta là nước, nên duy trì việc giữ nước là điều quan trọng để tối ưu chất lượng giấc ngủ.

Tăng cường hấp thu nước giúp có thể duy trì năng lượng cho cả ngày dài, đồng thời tạo điều kiện cho não làm việc tốt nhất ngay cả trong khi ngủ để loại bỏ cảm giác mệt mỏi.

Ngủ đủ vẫn... mệt mỏi

Bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng

Ăn uống thiếu chất tất nhiên ảnh hưởng không ít tới sức khỏe. Thức ăn chứa nhiều chất béo hoặc cacbohydrat khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi hơn.

Một bữa ăn lành mạnh, cân bằng dưỡng chất sẽ tạo nên sự khác biệt cho trí não và cơ thể, giúp chống lại mệt mỏi, kiệt sức.

Có nhiều loại thực phẩm giúp thúc đẩy và kéo dài năng lượng như thịt giàu chất sắt, ngũ cốc, các loại hạt, rau xanh và trái cây tươi. Điều quan trọng với một chế độ ăn uống đa dạng đầy đủ dưỡng chất là ít đường và giàu chất xơ.

Căng thẳng, buồn phiền

Một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra mệt mỏi là buồn phiền hoặc căng thẳng.

Đôi khi chúng ta không nhận ra bản thân đang phải chịu áp lực hoặc ở trong tình trạng bất ổn, mà chỉ có cảm giác mệt mỏi, thiếu sức sống, từ đó không có động lực để làm mọi việc.

Chăm tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng căng thẳng hoặc buồn phiền, là cách hữu hiệu giúp thư giãn và điều chỉnh trạng thái mất cân bằng.

Bị bệnh

Nếu đã duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ nước cho cơ thể và thường xuyên tập luyện thể dục mà bạn vẫn cảm thấy người uể oải, mệt mỏi sau giấc ngủ dài, thì bạn nên kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới mệt mỏi như thiếu máu, thiếu oxy, các hội chứng mãn tính, ngưng thở khi ngủ, tuyến giáp trạng không khỏe, viêm các tuyến bạch cầu, mất cân bằng đường trong máu...

Nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài dù đã áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng, thì bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị kịp thời.

Theo phunuvietnam