Cách ‘hạ lửa’ khi vợ chồng khắc khẩu

Có đến 2,3 mặt con mà vợ chồng vẫn không hết khắc khẩu. Thậm chí không lên tiếng thì thôi, cứ lên tiếng là… có chuyện! Nhưng tuyệt nhiên chưa ai nghĩ đến chuyện chia tay, dù sao không tránh khỏi phiền lòng khi sống trong cãi vã, làm thế nào để tránh làm tổn thương nhau?

Cách ‘hạ lửa’ khi vợ chồng khắc khẩu

Kềm chế lời nói

Ông bà ta hay nói “giận quá mất khôn”, quả đúng không sai. Khi lên cơn tức giận, bản thân chỉ muốn giải tỏa nỗi tức giận đó bằng hành động hay lời nói. Vì vậy mà không kềm chế được ngôn từ trong lúc nóng giận. Chắc chắn những ngôn từ đó chính người thốt ra cũng hiểu là nó quá sự thật nhưng vì nói ra cho “đã” nên không ngần ngại chuyện thật hay không.

Đáng ngại nhất có những người trong lúc nóng giận hay moi móc chuyện riêng tư ra bêu xấu nhằm hạ nhục người đối diện. Điều này dù đối phương có bao dung đến đâu, châm chước bỏ qua thì vẫn hằn sâu sự tổn thương không thể tránh khỏi. Dẫn đến mối quan hệ dần rạn nứt, thiếu tôn trọng nhau.

Trong cơn tức giận, bỏ đi khỏi là cách tốt nhất nếu cảm thấy mình không thể kềm chế được lời nói. Chỉ một thời gian ngắn sau bạn sẽ nhận ra sự “im lặng là vàng” như thế nào. Đừng để sự tức giận điều khiển bạn trở thành con người đáng sợ trong mắt bạn đời.

Đặt mình vào vị trí người đối diện

Trong bất cứ cuộc cãi vã nào, cả hai đều rất khó nhận ra cái sai của mình. Cách tốt nhất là hãy đặt mình vào vị trí người đối diện. Tự đặt câu hỏi tại sao anh ấy, cô ấy lại như vậy? Với cách đặt mình vào vị trí người khác giúp bạn có sự thông cảm hơn. Từ đó nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn.

Đổ thừa không hợp tuổi

Có những cặp vợ chồng biết là không hợp tuổi vẫn lấy nhau. Mỗi lần tranh cãi lại lôi những câu từ khó nghe ra, nào là biết vậy tôi không lấy anh, mọi người khuyên nhủ mà không nghe… Điều này gây khó chịu không ít cho người nghe. Chưa kể đưa đến sự mặc cảm về thân phận, cảm giác như một người đến với mình vì thương hại. Dần dần, cuộc tranh cãi không còn ở lý do ban đầu nữa mà do cách ứng xử của vợ, chồng.

Không ít trận cãi vã chỉ vì lý do cỏn con nhưng dẫn đến ly hôn chỉ bởi lời nói. Vì vậy, khi vợ chồng khúc mắc về chuyện gì, hãy trực tiếp giải quyết vấn đề đó, đừng lôi những chuyện cũ để hằn học, tiếc nuối. Nên nhớ, mọi vấn đề do con người gây ra đều có cách khắc phục nếu cả hai cùng hướng tới tương lai tốt đẹp.

Đụng chuyện đòi ly hôn

Lời hù dọa này nghe 1 lần còn có chút tác dụng nhưng nhiều lần quá đâm… lờn. Đừng hễ đụng chuyện thì đưa vấn đề ly hôn ra, khi mà bản thân bạn không muốn điều đó. Điều bạn muốn nói với người bạn đời mình rằng bạn rất khó chịu về việc anh ấy, cô ấy làm. Hãy nói thẳng điều đó để cả hai có cái nhìn thấu hiểu nhất về nhau.

Ly hôn là đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân, đừng bao giờ lợi dụng nó chỉ để hù dọa bạn đời mình. Khi gặp sự cố khó giải quyết, cứ bình tĩnh uống 1 ly nước đầy, nhìn vấn đề đơn giản đi, chắc chắn bạn sẽ thấy rất khập khiễng khi phải buông hai từ ly hôn chỉ vì lý do nhỏ nhặt đó.

Tránh làm chung 1 công việc

Vợ chồng khắc khẩu nên làm 2 công việc khác nhau. Vì nếu làm chung, tần số lần khắc khẩu đảm bảo sẽ… nhân lên. Tìm một công việc khác, phù hợp để cả hai không tiếp xúc quá nhiều. Ngay cả những cặp vợ chồng ít khắc khẩu, làm chung 1 công việc cũng dễ dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã. Nên tốt nhất hạn chế chạm mặt nhau.

Theo Trang Trần (Một thế giới)