Sẽ "cấm tất" xe máy vào nội đô chứ không riêng gì xe ngoại tỉnh



Thông tin cho rằng xe máy ngoại tỉnh sẽ bị cấm khi vào nội đô thời gian qua đang khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, các đơn vị xây dựng dự thảo đề án cho biết nếu cấm thì sẽ cấm tất chứ không riêng gì xe máy ngoại tỉnh.

Dự thảo đề án gây xôn xao dư luận người dân Thủ đô thời gian qua có tên là “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP”.

Hai đơn vị được UBND TP Hà Nội giao chủ trì và phối hợp xây dựng đề án này là Sở GTVT Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT. Đến nay, đề án này đang dừng lại ở dạng dự thảo sơ bộ ban đầu.

Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội.

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định nội dung đề án có phần hạn chế xe máy.

Sẽ  cấm tất xe máy vào nội đô chứ không riêng gì xe ngoại tỉnh

Việc cấm xe máy ở Hà Nội mới chỉ ở dạng dự thảo. Ảnh CT

Dự thảo đề xuất lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết.

Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (Vành đai 1 – đường Đê La Thành) từ 7h - 19h hàng ngày; Hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong (Vành đai 2 – đường Láng), đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3: Đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng…). Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.

Như vậy, dự thảo nội dung đề án nêu rõ lộ trình cấm xe máy theo từng mốc thời gian nhất định chứ không có mục nào quy định về việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội.

Việc cấm xe nếu được thông qua và thực hiện được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội ví như quy định cấm xe ở 12 tuyến phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm đã và đang triển khai. Tức là sẽ cấm tất, kể cả xe máy mang BKS Hà Nội và ngoại tỉnh.

Về phía đơn vị phối hợp soạn thảo dự thảo đề án, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, đề án này mới là dự thảo.

Việc xây dựng là để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý và tiến tới tổ chức hội thảo.

Do còn phải trải qua các khâu nêu trên nên đề án chưa phải là đề xuất chính thức của Hà Nội. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa có văn bản chính thức báo cáo UBND TP Hà Nội về vấn đề trên.

Trước đó, khi báo chí đăng tải nội dung cho rằng Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô thì chính lãnh đạo Sở GTVT TP này cũng bất ngờ. Còn phía người dân thì được phen xôn xao.

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, lượng xe máy mang BKS ngoại tỉnh là con số không nhỏ trong tổng số hơn 5 triệu xe máy ở thời điểm hiện tại.

Phần lớn trong số xe máy mang BKS ngoại tỉnh ở Hà Nội là của sinh viên trên toàn quốc học tập tại các trường ở Thủ đô.

Một phần nữa là các lao động nghèo mưu sinh bằng nghề xe ôm và hàng trăm nghề khác cần đến sự lưu thông bằng phương tiện xe máy hằng ngày.

Khi nghe thông tin Hà Nội sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh, anh Mai Đức Hiến, chạy xe ôm ở phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết anh chỉ có mỗi nghề chạy xe ôm để kiếm cơm.

Chiếc xe anh đang sử dụng để hành nghề được mua từ tiền bán bò ở quê. Theo anh, nếu Hà Nội cấm xe máy biển ngoại tỉnh hoặc xa hơn là hạn chế xe máy thì nghề xe ôm của anh sớm muộn cũng hết đất diễn.

Còn đối với các sinh viên, khi được hỏi về vấn đề Hà Nội sẽ hạn chế xe máy thì có sinh viên cho rằng sẽ đổi sang đi xe đạp điện để vừa đỡ tốn xăng vừa không nằm trong diện bị cấm.

Trở lại thông tin về đề án nêu trên, dù đang ở dạng dự thảo và sẽ lấy ý kiến của chuyên gia, người dân nhưng sự tác động đến tâm lý của 5 triệu chủ nhân có xe máy là khá lớn.

Việc chống ùn tắc người dân rất cần nhưng khi cấm xe máy thì người dân sẽ phải đi bằng phương tiện gì cũng phải được sớm công bố để dân biết.

Theo Minh Anh (Giadinh)