Sẽ dựng thêm hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu?

Để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, rất có thể hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu sẽ sớm được các cơ quan quản lý xây dựng và đưa vào thực tiễn.

Sẽ dựng thêm hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu?

Việc xây thêm các hàng rào kỹ thuật là để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và bảo hộ ô tô trong nước. Ảnh minh họa

Trong thông báo kết luận tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Việc xây dựng thêm các hàng rào kỹ thuật là để bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như để bảo hộ cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Thực tế, việc dựng thêm các hào rào kỹ thuật để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã được tính đến hồi năm ngoái khi Bộ GTVT đã bắt đầu xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Dự thảo này được xây dựng khi vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh Thông tư 20 về nhập khẩu xe.

Theo đó, tuy không còn quy định doanh nghiệp nhập khẩu về thị trường Việt phải có thêm “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” với xe ô tô nhập khẩu như ban đầu nhưng lại được tách ra thành một số phương thức kiểm tra, doanh nghiệp không đáp ứng được quy định có thể lựa chọn các giải pháp thay thế.

Bộ GTVT cũng bổ sung những quy định chặt chẽ về hậu kiểm. Đây là quy định được bổ sung nhằm giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện.

Ngoài ra, còn một nội dung quan trọng nữa trong dự thảo Thông tư của Bộ GTVT là quy định về việc triệu hồi xe lỗi. Theo đó, khi các xe đã được nhập khẩu, bị phát hiện có lỗi thì người nhập khẩu có trách nhiệm triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất hoặc yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

Đối với xe chưa được chứng nhận đăng kiểm, nhà nhập khẩu phải xuất trình văn bản của nhà sản xuất hoặc của các cơ sở được ủy quyền của nhà sản xuất xác nhận xe cơ giới thực tế đã thực hiện xong việc sửa chữa, khắc phục lỗi và bảo đảm an toàn làm căn cứ để tiến hành thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng xe cơ giới nhập khẩu.

Đối với xe đã được chứng nhận, nhà nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện việc sửa chữa, khắc phục các lỗi của xe.

Trong trường hợp người nhập khẩu không thực hiện quy định, cơ quan kiểm tra sẽ tạm dừng việc xác nhận vào hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng với nhãn hiệu thuộc diện triệu hồi.

Ngoài vấn đề triệu hồi xe, Dự thảo Thông tư lần này cũng bổ sung quy định người nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ thiết kế đối với xe nhập khẩu có kiểu loại chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để cơ quan kiểm tra làm căn cứ xem xét, đánh giá và thẩm định.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho rằng doanh nghiệp đơn thuần là nhà nhập khẩu xe thì bên xuất khẩu chỉ bán xe chứ không bán công nghệ. Vì vậy, yêu cầu cung cấp hồ sơ thiết kế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, các tài liệu này sẽ là căn cứ để cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận cũng như công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát chất lượng phương tiện chặt chẽ hơn nữa.

Đồng thời cũng bảo đảm công bằng cho cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu”. Nguyên nhân là vì thời gian vừa qua có tình trạng một số nhà nhập khẩu đặt hàng xe chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận thì khi vào Việt Nam, để được cấp giấy chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu chỉ phải thử nghiệm về an toàn và khí thải (nhưng không có yêu cầu về hồ sơ thiết kế).

Trong khi đó, đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước có yêu cầu về hồ sơ thiết kế rồi, phải tiến hành thẩm định, kiểm tra, thử nghiệm theo quy định; thực hiện việc đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP); nếu đạt được các yêu cầu theo quy định thì mới được cấp giấy chứng nhận.

Cũng trong tuần qua, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành văn bản bãi bỏ quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong Thông tư 20 (năm 2011) khi thông tư này hết hiệu lực. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp nhập khẩu xe (chính hãng và không chính hãng sẽ không phải nộp bổ sung Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân nữa.

Theo ICTNews