Sét đánh - nỗi kinh hoàng của lưới điện mùa mưa bão

Chiếm tỷ lệ lớn gây ra các sự cố, để lại thiệt hại không nhỏ cho lưới điện và việc cung ứng điện mùa mưa bão chính là... sét.

Sét đánh - nỗi kinh hoàng của lưới điện mùa mưa bão

Đến mùa mưa bão, hệ thống lưới điện thường bị sét đe doạ. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) cho biết, vào mùa mưa bão, sự cố do sét đánh gây ra cho hệ thống lưới điện miền Bắc chiếm đến 60%.

Còn theo thông tin do ông Trịnh Phương Thao, Ban Kỹ thuật của EVNNPC cho biết, năm 2016, sự cố trên lưới điện 110kV của toàn miền Bắc là 129 vụ. Trong đó, số vụ do sét đánh là 81 vụ, chiếm 63%.

Theo ông Thao, sự cố do sét đánh trên lưới điện là đặc thù của miền Bắc. Cứ đến mùa mưa bão, khi giông tố xuất hiện thì nguy cơ sét đánh vào lưới điện có thể xảy ra.

Đánh giá về tác động của hiện tượng sét đánh vào đường dây, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết (EVNNPT), trong quá trình quản lý vận hành, công tác giảm thiểu sự cố đường dây 220 kV, 500kV có nguyên nhân do sét đánh luôn là vấn đề được quan tâm.

Số lần sự cố do sét vẫn còn nhiều, đặc biệt là trên các đường dây thuộc Công ty truyền tải điện 1 quản lý, sự cố vẫn còn lặp lại trên những đường dây đã được sửa chữa, bổ sung hệ thống tiếp địa trước đó.

Sét đánh - nỗi kinh hoàng của lưới điện mùa mưa bão

Kiểm tra đường dây, lắp đặt hệ thống chống sét đang được triển khai áp dụng. Ảnh minh hoạ

EVNNPT cho biết, các đường dây 220kV và 500kV đi qua vùng đồi núi cao, từng rậm, vượt thung lũng, khu vực có nhiều mỏ than, quặng, vùng có điện trở suất của đất lớn như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh… thường xuyên xảy ra sự cố do sét.

Theo thống kê, năm 2011, có 145 sự cố đường dây thì có 100 sự cố do sét, chiếm tỉ lệ 69%; năm 2012, có 119 sự cố do sét/174 sự cố, chiếm 68%; năm 2013, 77 sự cố do sét/149 sự cố, chiếm 52%; năm 2014, 127 sự cố do sét/167 sự cố, chiếm 77%; năm 2015, 72 sự cố do sét/168 sự cố, chiếm 43% và 6 tháng đầu năm 2016 có 58 sự cố do sét/84 sự cố, chiếm 69% .

Trong đó, phần lớn sự cố do sét xảy ra trên địa bàn do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý (từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra Bắc): Năm 2011 chiếm 71%; năm 2012 chiếm 67%; năm 2013 chiếm 69%; năm 2014 chiếm 61%; năm 2014 chiếm 69% và 6 tháng đầu năm 2016 là 72%. Các sự cố có nguyên nhân do sét thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm (cao nhất vào tháng 5 và 6).

Sét đánh gây ra hậu quả không nhỏ cho lưới điện, khiến việc cấp điện cho người dân bị gián đoạn. Để giảm thiểu thiệt hại, EVN Việt Nam đã chỉ đạo EVNNPC phải giảm đến 50% sự cố do sét gây ra. Vì vậy, công tác chống sét được EVNNPC quan tâm trước thời điểm vào mùa mưa bão.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, đơn vị này đã kết hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Hà Nội để triển khai nhiều biện pháp chống sét trên lưới điện.

Cùng đó, EVNNPC đã yêu cầu các công ty điện lực địa phương tăng cường quản lý lưới điện, hành lang an toàn lưới điện. Tuân thủ các biện pháp kỹ thuật như tiếp địa, rà soát hệ thống sứ trên lưới...

Ngoài các biện pháp nêu trên, để tăng cường khả năng chống sét cho lưới điện, EVNNPC đang triển khai mạnh việc lắp đặt hệ thống chống sét. Kế hoạch EVNNPC đặt ra trong thời gian tới là lắp đặt hệ thống chống sét cho 14 đường dây.

Các địa phương sẽ được hưởng lợi trong dự án này gồm: Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Ninh...

Theo GĐ