Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng mạnh chưa từng có, nhà x.ác ở Mỹ quá tải

Thế giới ghi nhận hơn 14 triệu người mắc Covid-19 khi số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục, đặc biệt lần đầu tiên số ca mắc mới tăng hơn 1 triệu ca chỉ trong vòng 100 giờ đồng hồ.

so-nguoi-mac-covid-19-toan-cau-tang-manh-chua-tung-co-nha-x-ac-o-my-qua-tai

Thế giới đã có hơn 14 triệu người mắc Covid-19. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ca mắc Covid-19 toàn cầu tăng kỷ lục

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối ngày 17/7 cho biết, số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng gần 238.000 ca trong vòng 24 giờ qua, tăng mạnh nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát cuối năm ngoái. Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi vẫn là những nơi có số người mắc Covid-19 tăng mạnh nhất.

Đặc biệt, theo ghi nhận của Reuters, lần đầu tiên, số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng hơn 1 triệu ca trong vòng 100 giờ đồng hồ - một tín hiệu đáng lo ngại về tốc độ lây lan của Covid-19 sau khi các quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa trở lại.

Số người mắc Covid-19 toàn cầu hiện đã vượt 14 triệu ca, trong đó gần 600.000 người đã tử vong, hơn 8,4 triệu người đã được chữa khỏi. Trong khi số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục, số người chết vì Covid-19 toàn cầu trong tháng 7 trung bình khoảng 5.000 người/ngày.

Mỹ hiện là tâm dịch lớn nhất với gần 3,7 triệu ca mắc, hơn 140.000 người tử vong. Brazil chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới với hơn 2 triệu ca mắc, trong đó gần 77.000 người tử vong. Ấn Độ cũng vừa gia nhập nhóm "triệu ca mắc " khi số người mắc Covid-19 tại quốc gia này vượt mốc 1 triệu, trong đó hơn 25.000 người đã tử vong.

WHO cảnh báo, Covid-19 có thể trầm trọng hơn nữa nếu một số nước tiếp tục coi nhẹ mối đe dọa từ đại dịch này. WHO cũng cho rằng, cuộc chiến đối phó Covid-19 đòi hỏi sự đoàn kết toàn cầu.

Nhà xác ở Mỹ quá tải

so-nguoi-mac-covid-19-toan-cau-tang-manh-chua-tung-co-nha-x-ac-o-my-qua-tai

Texas huy động thêm xe tải đông lạnh khi các nhà xác, nhà tang lễ không còn chỗ chứa thi thể. (Ảnh: Reuters)

Fox News dẫn thông tin từ giới chức tế Mỹ cho biết, bang Texas và Arizona đã phải điều động thêm các xe tải đông lạnh để bảo quả thi thể trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 tăng nhanh trở lại.

Texas ngày 16/7 ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục với 129 người chết, nâng tổng số người chết vì đại dịch này tại đây lên gần 3.600. Cùng ngày, Texas cũng có thêm hơn 10.000 ca mắc mới, nâng số người mắc bệnh tại bang lên xấp xỉ 293.000 ca.

Thành phố San Antonio và Bexar nhận thêm mỗi địa phương 5 xe tải đông lạnh để bảo quản 180 thi thể khi hầu hết nhà xác của bệnh viện và nhà tang lễ tại đây không thể tiếp nhận thêm thi thể.

“Không có nơi nào để đặt những xác chết. Nghe có vẻ khủng khiếp nhưng đó là sự thật. Chúng tôi có xe tải đông lạnh ở chế độ chờ trong khu vực, nếu cần", Thị trưởng thành phố San Antonio Ron Nirenberg cho biết. Ông Ken Davis, giám đốc y tế của hệ thống y tế Christus Santa Rosa, cũng cho biết: “Chúng tôi đã hết chỗ. Nhà tang lễ của chúng tôi đã hết chỗ".

Tại Arizona, số người tử vong cũng tăng mạnh. Bang này hiện có khoảng 135.000 người mắc Covid-19, trong đó gần 2.500 ca tử vong. Các nhà xác tại đây cũng bắt đầu quá tải.

Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ bắt đầu tăng mạnh trở lại cùng với sự gia tăng kỷ lục của số ca mắc mới. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng kỷ lục với hơn 77.000 ca mắc mới trong ngày 16/7, đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 tăng hơn 70.000 ca/ngày.

Tỷ lệ nghịch với tốc độ gia tăng ca mắc Covid-19, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump giảm mạnh. Theo khảo sát của hãng tin Washington Post và ABC News, 38% người Mỹ ủng hộ cách ứng phó đại dịch của ông Trump, giảm so với mức 46% hồi tháng 5 và 51% hồi tháng 3. Tỷ lệ bất tín nhiệm tăng lên 60%, so với mức 45% hồi tháng 3.

Đây là một bất lợi lớn cho chủ nhân Nhà Trắng trước cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Nhận thức được điều này, ông Trump đã thay đổi nhân sự điều hành chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, nếu không thay đổi quan điểm về ứng phó Covid-19, ông Trump được cho là sẽ khó lòng chinh phục đường đua vào Nhà Trắng một lần nữa.

Đến nay, dư luận tại Mỹ vẫn chia rẽ về vấn đề đeo hay không đeo khẩu trang, mở cửa hay không mở cửa lại trường học để phòng dịch.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Trump ủng hộ mở cửa trở lại, trong đó có việc mở cửa trường học, các chuyên gia y tế khuyến cáo việc đóng cửa trường và đeo khẩu trang nơi công cộng là một phần trong các biện pháp ngăn đà lây lan của dịch.

Minh Phương
Theo Reuters, Guardian/Dân Trí

----

Xem thêm:

"Sóng thần" Covid-19 trở lại, Nam Á có thể thành tâm chấn mới

Dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh đang cản trở các nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại, thậm chí khu vực Nam Á có thể trở thành tâm dịch tiếp theo của thế giới.

song-than-covid-19-tro-lai-nam-a-co-the-thanh-tam-chan-moi

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khắp thế giới. (Ảnh minh họa: AFP)

Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở khắp khu vực châu Á. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước đó được ca ngợi nhờ chiến dịch chống dịch hiệu quả thì nay cũng đối mặt với tình trạng số người mắc Covid-19 tăng nhanh, một số nơi thậm chí phải áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa.

Với nhiều người, hy vọng nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường đang phai nhạt dần. Tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương có thể yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa một lần nữa và phải hoãn kế hoạch mở cửa biên giới. Thậm chí ở Thái Lan, tuy không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào liên tục gần 2 tháng qua, nhưng chính phủ nước này vẫn quyết định siết quy định về cách ly đối với du khách nước ngoài.

Covid-19 tái bùng phát mạnh

Trong ngày 16/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 610 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất kể từ giữa tháng 4. Trong đó, Tokyo ghi nhận gần 300 ca. Dịch bùng phát trở lại đang đe dọa kế hoạch tỷ USD của Nhật Bản nhằm thúc đẩy du lịch.

Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra ở Australia khi bang đông dân thứ hai của nước này - Victoria - buộc phải phong tỏa trở lại từ tuần trước sau khi phát hiện một số ổ dịch mới. Nhiều bang của Australia cũng đóng cửa biên giới trở lại.

Tại Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ 3 thế giới, hơn 125 triệu người tại bang Bihar, Patna và Goa bắt đầu bị phong tỏa trở lại từ ngày 16/7. Lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài 15 ngày. Thủ phủ công nghệ Bangalore cũng bị phong tỏa trong tuần này. Nhiều địa phương khác của Ấn Độ cũng chứng kiến số người mắc Covid-19 tăng mạnh.

Tính đến hết ngày 16/7, số người mắc Covid-19 ở Ấn Độ chính thức vượt mốc 1 triệu ca, trong đó gần 26.000 người đã tử vong. Ấn Độ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới bởi dịch Covid-19, chỉ sau Mỹ và Brazil - hai quốc gia lần lượt số ca nhiễm bệnh là gần 3,7 triệu ca và hơn 2 triệu ca.

Nam Á có thể thành tâm dịch mới

“Trong khi thế giới tập trung chú ý đến cuộc khủng hoảng ở Mỹ và Nam Mỹ, một thảm kịch nhân đạo đang hình thành nhanh chóng ở Nam Á”, John Fleming, người phụ trách vấn đề y tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hội chữ Thập đỏ, nhận định.

Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh ghi nhận tổng cộng hơn 1,4 triệu ca mắc Covid-19 và gần 33.000 trường hợp tử vong do Covid-19.

Tại Philippines, số người mắc Covid-19 đã tăng hơn 3 lần kể từ tháng 6 lên hơn 61.000 ca. Giới chức nước này có thể phải phong tỏa trở lại khu vực thủ đô Manila với 12 triệu dân từ cuối tháng 7.

Tại Indonesia, quốc gia với hơn 81.000 ca mắc Covid-19, số ca mắc mới tại thủ đô Jakarta liên tục lập kỷ lục trong tuần qua. Tổng thống Joko Widodo dự định thông qua một đạo luật mới nhằm đưa ra chế tài với những người vi phạm quy định giãn cách xã hội.

Dịch Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái từ Trung Quốc và hiện đã lan ra khắp thế giới, khiến gần 14 triệu người mắc bệnh, hơn 590.000 người tử vong. Covid-19 đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại, đặc biệt tại Mỹ, số người mắc Covid-19 liên tục lập kỷ lục gần đây, với trung bình khoảng 50.000 đến 60.000 ca/ngày trong hơn 2 tuần qua.

Minh Phương
Theo Straits Times