Sốt cao, bác sĩ truy tìm nốt mẩn ở "vùng hiểm" để chẩn bệnh

Nhiều người liên tục bị sốt cao gần 400C, đầu đau như "búa bổ" nhưng không giảm đau hạ sốt được, vào nhập viện không xác định rõ nguyên nhân, sẽ được các bác sĩ có kinh nghiệm “truy lùng” những nốt mẩn chỉ mọc ở "vùng hiểm" để chẩn đoán. Đây chính là những bệnh nhân bị sốt mò - căn bệnh theo các chuyên gia là rất khó chẩn đoán, dễ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Sốt cao, bác sĩ truy tìm nốt mẩn ở
Hình ảnh nốt mò đốt sau vành tai của một bệnh nhân ở Nghệ An. Ảnh: P.C

Bệnh rất khó chẩn đoán

Khoảng 1 tuần nay, ông Bùi Văn Sơn (57 tuổi, trú tại xã Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang) bị sốt cao gần 40 độ, kèm đau đầu nhiều, điều trị ở viện huyện mãi không khỏi nên ngày 3/5, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

BSCKI Nguyễn Văn Hùng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua thăm khám bệnh nhân Sơn, phát hiện bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vùng nách, kèm theo sốt cao từng cơn (39,50C). Ngay sau khi được chẩn đoán bị sốt mò, người bệnh đã được chuyển lên Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được điều trị bệnh.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 3/2015 đến nay, ghi nhận khoảng hơn 300 trường hợp, trong đó 2 trường hợp tử vong và 5 trường hợp bệnh nặng xin về. Theo BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách Khoa Cấp cứu, trung bình mỗi năm có khoảng 40 ca mắc bệnh sốt mò.

Các bệnh nhân được chuyển đến từ tuyến dưới ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, ở vùng nông thôn, nơi có nhiều bụi cây, rừng rậm, đối tượng dễ bị mò đốt là những người làm ruộng, làm rẫy, khai hoang... nhưng cũng có những bệnh nhân đến từ các tỉnh ven Đồng bằng sông Hồng.

Các bác sĩ cho biết thêm, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia tsuisugamushi (thường gọi là con mò) gây ra. Loại này thường đốt bệnh nhân 1 nốt ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... có vết loét chỗ côn trùng đốt, sưng hạch, kèm theo đau đầu và sốt cao kéo dài.

Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời.

“Bệnh khó chẩn đoán, hay nhầm với các bệnh khác và thường dựa vào kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng của bác sĩ và phải qua các bằng chứng xét nghiệm, nuôi cấy, miễn dịch và sinh học phân tử để chẩn đoán khẳng định bệnh do Rickettsia gây ra”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.

“Gần đây, có bệnh nhân bị sốt mò nhưng lại chẩn đoán sang viêm phổi, vào cơ sở y tế khác điều trị gần 1 tuần trời, chi phí kháng sinh mỗi ngày tới 3 triệu đồng. Khi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, được xét nghiệm thấy men gan tăng và chẩn đoán lại, tìm ra được nốt đốt, chỉ cần điều trị một vỉ Doxycyclin giá rất rẻ, bệnh nhân khỏi ngay”, BS Trung Cấp chia sẻ.

Nói thêm về kinh nghiệm chẩn đoán bệnh này, các chuyên gia cho biết thêm, nhiều bệnh nhân vào viện sốt, tăng men gan hoặc viêm phổi, tìm không ra các nguyên nhân khác, các bác sĩ sẽ có “phản xạ” “truy tìm” các chỗ kín, tìm ra nốt đốt. Khi tìm thấy các nốt – bằng chứng “vàng” để kết luận bệnh, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc vài ngày là khỏi.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ khoảng gần 40% các ca bệnh phát hiện sốt mò là phát hiện ra nốt con mò đốt. Ngoài ra, việc kinh nghiệm chẩn đoán bệnh của các bác sĩ còn dựa vào bệnh án, sắc da bệnh nhân… để chẩn đoán ban đầu bệnh do Rickettsia gây ra.

Cách phát hiện khi bị mò đốt

Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng. Ở miền Bắc thường từ tháng 5 đến tháng 10. Còn ở Miền Nam, sốt mò xảy ra quanh năm nhưng vẫn cao nhất vào mùa mưa. Nguồn bệnh gây ra bệnh sốt mò là các động vật hoang dã như: Loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, lợn, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)...

BS Cấp cho hay, bệnh sốt mò được “ủ” trung bình từ 8 - 12 ngày, sớm là 6 ngày, dài là 21 ngày. Tại nơi mò đốt nổi lên nốt phổng nước, thời gian này chỉ trong vòng một ngày tính từ khi mò đốt song bệnh nhân không hề biết vì không thấy đau, rát hay ngứa. Bệnh nhân chỉ đi điều trị khi bị sốt cao và bệnh đã vào giai đoạn toàn phát.

Nốt phỏng này sau đó sẽ thành vết loét. Đến thời kỳ toàn phát, bệnh nhân bị sốt nhẹ 1- 2 ngày đầu, sau sốt cao liên tục, dai dẳng. Cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao ngay 39 - 40°C trong ngày đầu giống như sốt rét.

Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tình trạng nhiễm độc thần kinh thường nặng nề, nhức đầu là dấu hiệu khởi đầu, đau khắp đầu, có thể nhức cả 2 hố mắt. Bệnh nhân thường mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, vã mồ hôi, đau cơ nhiều, có trường hợp ngủ li bì...

Trên cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều vết loét ở chỗ da non hoặc ở bộ phận sinh dục, nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng, sau mới tới chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ… Đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như vành tai, rốn, mi mắt.

“Vì vết con mò đốt không đau, rát, ngứa… nên hầu như bệnh nhân không hề biết bị mò đốt, đốt từ lúc nào và ở đâu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị lâu quá 10 ngày có thể diễn biến nặng, thường xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan, viêm phổi kẽ… Nếu không được điều trị đặc hiệu thì có thể suy đa tạng và tử vong”, BS Trung Cấp cảnh báo.

Người có thể bị mò đốt khi nào?

Các chuyên gia khuyến cáo: Khi người bệnh có biểu hiện sốt cao, phát ban, nổi hạch, có nốt phỏng hay vết loét trên da, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Người dân nên mặc quần áo chẽn gấu, chân tay có găng, tất, mang giày... khi đi vào vùng rừng núi có cây cối rậm rạp. Không phơi quần áo, đặt ba lô trên bụi rậm, không nằm trên cỏ…

Người có thể bị mò đốt trong các điều kiện sau:

- Sinh hoạt lao động trong ổ dịch.

- Phát rẫy làm nương.

- Đi dã ngoại.

- Ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ, buộc võng vào gốc cây…

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Theo GĐ