Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: 'Nếu thấy đắt thì đừng đi'

TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Việc tăng phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phù hợp với quy luật cung – cầu, “nếu anh không thích thì đừng đi”.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá đạt tiêu chuẩn tiến tiến của thế giới, hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hiện nay, tuyến đường này góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông các tỉnh phía Bắc. Nhưng từ khi chính thức thông xe đi vào hoạt động, tuyến đường này luôn trong tình trạng vắng khách và được nhiều người gọi là “đường dành cho nhà giàu” vì mức phí được thu quá cao.

Mới đây, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi ) - chủ đầu tư của Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã công bố mức tăng phí mới từ 1/4/2016. 

Theo đó, phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng thêm khoảng 25% (xe tiêu chuẩn từ mức cũ 1.500 đồng/km sẽ tăng lên 2.000 đồng/km, tương đương với mức phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), còn mức phí trên Quốc lộ 5 sẽ tăng cao nhất 50%.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) dạng hợp đồng BOT, vì vậy, việc nhiều trạm thu phí mới mọc lên và người dân buộc phải trả phí là điều dễ hiểu.

Ông Liêm giải thích: Khi hợp tác PPP, nguyên tắc đầu tiên trong việc thu phí đường cao tốc đó là: Chủ đầu tư phải thu hồi được vốn, vì vậy, phí đường cao tốc cao hay thấp phụ thuộc vào việc họ phải thu hồi vốn trong thời gian bao lâu. Bởi lẽ, với nguồn vốn lớn như vậy, chủ đầu tư không “ném tiền” vào lĩnh vực này, họ có thể đầu tư vào việc khác, miễn sao có lợi nhuận.  

Tuy nhiên, “nếu dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, lãi chậm quá, không đủ trả lãi ngân hàng thì chủ đầu tư sẽ không làm. Do đó, họ buộc phải thu hồi vốn trong thời gian ngắn, mà đã thời gian ngắn thì tiền phí sẽ phải cao” – ông Liêm nói.

Tăng phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: 'Nếu thấy đắt thì đừng đi'

Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: "Nếu thấy đắt thì đừng đi". Ảnh: Internet

Thêm vào đó, theo ông Liêm: Cách thu phí này cũng phù hợp với nền kinh tế và sức chi trả của người dân cũng như tạo khả năng để người đi đường lựa chọn trong việc sử dụng, chứ không hoàn toàn ép buộc một cách khiên cưỡng theo kiểu độc quyền. “Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nếu người dân không thích đi đường mới thì họ có thể chọn đường cũ. Thị trường là thuận mua vừa bán, anh không thuận thì anh đừng đi. Nếu người đi ít quá, chủ đầu tư sẽ tự khắc buộc phải hạ giá xuống. Đó là quan hệ cung - cầu” – ông Liêm nhấn mạnh. 

Vị chuyên gia này cho rằng: Người tiêu dùng có quyền từ chối không đi đường cao tốc mới nếu thấy mức phí đó đắt. “Còn nếu anh muốn đi nhanh, đường tốt, tiết kiệm xăng thì phải trả phí, điều đó là hợp lý. Anh phải xét sự lợi – hại mà sử dụng. Anh đi đường cao tốc 1 ngày chở được 3 chuyến trong khi đi đường cũ, anh chỉ chở được 2 chuyến, anh được lợi hẳn 1 chuyến thì anh phải trả tiền chứ.Nếu anh phản đối thì anh đừng đi. Thị trường là thế. Cũng giống như có những chiếc túi xách hàng hiệu lên tới mấy chục triệu đồng, chẳng nhẽ chị em phản đối vì giá cao quá?!” – ông Liêm bày tỏ.

Nói về mức phí mới sẽ được áp dụng từ 1.4, chính Vidifi cũng thừa nhận, mức phí quy định tương đối cao. Từ những năm sau, mức phí trên đường cao tốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số CPI tăng giảm thàng năm và mức phí QL5 cứ 3 năm tăng 18% theo quy định Nhà nước.

Liên quan tới bức xúc của nhiều lái xe về việc tăng phí quá cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng từng chia sẻ: “Việc tăng phí này, theo nhu cầu của người sử dụng, nếu tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên mà vắng xe thì sẽ điều chỉnh giảm xuống”.

Theo Dương Phương Ngọc (Vietq)