Thực phẩm sạch, sao quảng cáo “bẩn”?

Khi quảng cáo đã vượt quá sự thật, trở thành sự lộng ngôn thì sự nhầm lẫn giữa các giá trị trở nên nhạt nhòa và chỉ gieo rắc sự nghi ngờ vào người tiêu dùng.

Quảng cáo của Cục Y tế dự phòng Mỹ, tạm dịch thông điệp: Chăm sóc sức khỏe ngay bây giờ để không hối tiếc về sau

Quảng cáo của Cục Y tế dự phòng Mỹ, tạm dịch thông điệp: Chăm sóc sức khỏe ngay bây giờ để không hối tiếc về sau

Đi tìm quảng cáo sạch

Năm 2013 vừa qua được xem như một năm thê thảm của ngành công nghiệp quảng cáo. Quảng cáo trong nước, đặc biệt trên báo giấy giảm sút nghiêm trọng đã làm cho nhiều tờ báo vang danh phải đóng cửa hoặc đình bản. Có thể kể tên hàng loạt tờ báo như: nhật báo Đất Việt, tuần báo Echip, PC world, Thế giới mới và nhiều tờ báo khác phải lao đao.

Có một câu nói được giới quảng cáo châm chọc nhau: Khi không bán được quảng cáo chúng ta nên đi học. Câu này vừa có ý nghĩa hài hước vừa thể hiện tính thực tế nhất định của nói. Bởi vì giới quảng cáo luôn bận rộn và cuốn hút theo các chiến dịch truyền thông. Họ ít có thời gian và cơ hội nhìn nhận đánh giá chính mình. Những sự cố, khủng hoảng dồn dập đến rồi đi, vấp ngã và đứng lên liên tục. Chỉ khi ít việc, ví dụ như những lúc rãnh rỗi không có đơn đặt hàng, tranh thủ đi học cũng là cách hay nhất để quên đi chuyện doanh số doanh thu.

Trong muôn vàn lý do khác nữa, năm 2013 trở thành năm có nhiều quan điểm về ngành quảng cáo và nghệ thuật quảng cáo được khá nhiều người quan tâm. Một trong những lý thuyết không bao giờ tan chảy là tính Nhân – Quả của quảng cáo. Tiến sĩ Kinh tế Rolf Dobeli từng nói: “Tôi không cần biết bạn nói gì, tôi chỉ quan tâm bạn nói điều đó như thế nào”.

Điều này được diễn giải một cách dễ hiểu hơn: Chính cách bạn truyền đạt thông điệp quảng cáo như thế nào sẽ quyết định khách hàng có nhớ đến bạn hay không, nhớ như thế nào, nhớ với một ấn tượng tích cực hay tiêu cực.

Từ trong nước nhìn ra thế giới, những năm gần đây giới quảng cáo luôn cố gắng kêu gọi khách hàng của mình phải quảng cáo làm sao cho sạch sẽ. Nghĩa là, thông điệp đưa ra công chúng ít nhất không chạm đến những điều cấm kị trong luật quảng cáo của đất nước được phát đi thông điệp đó. Nghe thì dễ, làm mới khó. Bở vì, thuyết phục những khách hàng đã có đối thủ cạnh tranh thôi đừng cạnh tranh nhau là chuyện… không tưởng!

Sản phẩm sạch vì sao quảng cáo “bẩn”?

Dù cố gắng rất nhiều trong việc thuyết phục khách hàng tạo dựng hình ảnh và thông điệp sạch cho quảng cáo nhưng liên tục gần đây quảng cáo lại dính vào những chuyện rất đáng tiếc.

Trong năm 2013, trước tình trạng bùng nổ quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, quảng cáo quá sự thật và sai nội dung đăng ký đã kiểm duyệt, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên cả nước. Kết quả có đến 47 cơ sở vi phạm và lỗi chủ yếu thuộc về nội dung quảng cáo sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục phó An toàn thực phẩm, cho biết: “Nhiều cơ sở quảng cáo nhưng không đăng ký kiểm duyệt nội dung, số khác có đăng ký nhưng khi quảng cáo thì phần nội dung đều nói quá công dụng của sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm”.

Quảng cáo “bẩn” chẳng khác gì việc tự tay gieo khủng hoảng cho chính mình

Quảng cáo “bẩn” chẳng khác gì việc tự tay gieo khủng hoảng cho chính mình

Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho rằng, khi quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng, có hai vấn đề quan trọng cần chú ý. Một là, thông điệp đó phải trung thực khách quan, không được nói lố những gì mà sản phẩm có. Hai là, ngôn ngữ của thông điệp phải phù hợp với trình độ của người bình thường. Điều này hiện nay các mẫu quảng cáo thực phẩm chứng năng còn mắc phải.

So sánh là một trong những hành vi bị cấm nhưng so sánh ngầm và gây nhầm lẫn thì sao? Sản phẩm mì của công ty Nissin tung sản phẩm mới với nội dung “Mì không chiên 365 vì không chiên qua dầu nên bạn có thể an tâm về chất lượng”. Trên mặt trước bao bì sản phẩm có chữ “Khỏe” và mặt sau có thông điệp trên làm người hấp thu quảng cáo này sẽ đánh đồng với nghĩa “mì chiên qua dầu là không thể an tâm về sức khỏe”.

Trong khi đó, những món ăn chiên xào là đặc trưng văn hóa ẩm thực của người châu Á. Đặc biệt mì gói đã trở thành sản phẩm truyền thống lâu năm, được cả thế giới sử dụng đều qua chiên dầu để sợi mì thơm ngon đặc trưng. Vì vậy khi Nissin gieo rắc vào người tiêu dùng sự độc hại của việc chiên qua dầu, phần nào đã thể hiện sự so sánh trực tiếp giữa sản phẩm chiên qua dầu và không chiên qua dầu.

Nội dung quảng cáo của Nissin thuộc hành vi cấm tại khoảng 10, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Điều luật này quy định rõ: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, có khả năng cũng vi phạm điều khoảng 12, Điều 8: Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Trước đó không lâu, mì Omachi ra mắt dòng sản phẩm mới đã tranh thủ sự chú ý bằng cách “lột đồ” người mẫu Ngọc Trinh trong bộ ảnh nude mới tung lên Facebook cá nhân. Sự trơ trẽn và lắp ghép gượng gạo của quảng cáo này nằm ở chỗ Ngọc Trinh không phải người mẫu quảng cáo chính của chiến dịch quảng cáo mà chỉ gây chú ý cho phim quảng cáo sắp được phát sóng rộng rãi.

Mặc dù quảng cáo mì “lột đồ” của Ngọc Trinh không phải quảng cáo chính thức và không bị kiểm duyệt nhưng đã vi phạm khoản 3, Điều 8 những hành vi Cấm trong quảng cáo: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Luật đã ban hành, quảng cáo sạch hay không đã có thể xác định hành vi. Hơn ai hết, những người truyền thông điệp này biết rõ mình có vi phạm hay không. Vậy thì vì sao họ vẫn ngang nhiên quảng cáo “bẩn”? Quảng cáo “bẩn” thực phẩm có sạch hơn không?

Theo NB&CL