Trao đổi phương pháp nuôi dạy con: Vì sao con nít Tây dễ tự ăn tự ngủ?

MTG vừa nhận được bài viết của bạn Lê Thu Hương (Úc) trao đổi về đề tài khá nóng, đang được nhiều ông bố bà mẹ quan tâm: Phương pháp nuôi và dạy trẻ con ở Tây và Ta khác nhau điểm nào? Vì sao các em bé Tây dễ tự ăn tự ngủ?  Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này...

chăm sóc trẻ sơ sinh

Phương pháp nuôi dạy trẻ em của Tây khác nhiều với ở Ta. - Ảnh: Internet

Là một người Việt Nam sống ở trời Tây, được chứng kiến sự giáo dục trẻ em ở cả hai nơi – hay nói cách khác, hai phương pháp khác nhau – mình có thể hiểu được phần nào nguồn gốc của mỗi cách giáo dục. 

Đã nhiều năm nay, báo chí, blog cá nhân, v...v đều ca ngợi phương pháp dạy con kiểu Tây. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên và thán phục trẻ con Tây vì các bé có khả năng tự lập rất sớm. Đã có nhiều bài báo/blog đưa ra dẫn chứng cụ thể cho tính tự lập của các em bé Tây nhưng mình chưa thấy bài viết nào lý giải tại sao trẻ con Tây lại làm được như thế?
Trước khi đưa ra câu trả lời chi tiết, câu trả lời ngắn gọn theo ý kiến chủ quan của mình là: tự lập là kỹ năng sinh tồn (survival skill) để các em bé tồn tại và phát triển ở một đất nước phương Tây [hay nói nôm na là do "hoàn cảnh xô đẩy"
 

chăm sóc trẻ sơ sinh
Các ông bố bà mẹ Tây luôn có phương pháp dạy con mình làm sao các em có ý thức tự lập sớm...  

Còn đây là những ví dụ và lý giải cụ thể của mình.

1. Tại sao trẻ con Tây biết tự ăn rất sớm?

Ở Tây hầu hết các em bé đều biết tự ăn tầm 1 tuổi (có bé sớm hơn hoặc muộn hơn một chút). Các bé ăn chủ yếu ăn bằng cách bốc thức ăn: lúc đầu thì đa số rơi ra ngoài – 10 bốc thì có khi được 1 bốc vào mồm; hoặc cầm gặm chơi, không thích nữa thì ném xuống sàn nhà. Tức là vừa ăn vừa khám phá vừa chơi, tóm lại ăn được bao nhiêu là tùy. Dần dần các bé sẽ ăn thạo hơn, biết cách thưởng thức các món ăn hơn, ăn theo nhu cầu và quan trọng nhất là thích thú với việc ăn.

Vì ở đây chỉ có bố mẹ và (các) con nên không thể có thời gian ép con ăn hoặc uống sữa. Thời gian ở đâu mà có thể vừa đi làm cả ngày, buổi tối về vừa nấu nướng, dọn dẹp lại vừa ép con ăn được? Bố mẹ đi làm cả ngày rất mệt nên không thể có sức lẽo đẽo chạy theo các bé bón đút thức ăn cho các bé được. Chính vì thế các bố mẹ tạo cho các bé thói quen tự cầm ăn từ rất sớm – tầm từ 7-8 tháng trở đi. Như thế bố mẹ cũng nhàn hơn và các bé cũng thích hơn. Đôi bên cùng có lợi. Vậy là chính sự bận rộn của cuộc sống, sự thiếu người phụ giúp và sự gò ép của thời gian khiến các bé phải tự ăn.

Ở Việt Nam thì ngược lại, nuôi một em bé thì ngoài bố mẹ thì có thêm nhiều người trợ giúp như ông bà và người giúp việc. Chính vì thế các bé được chăm sóc rất kỹ, được ép ăn và uống một lượng sữa rất lớn; nếu bé nào mà không ăn được một lượng nhất định thì bố mẹ/ông bà không yên tâm vì không lên được [nhiều] cân. Mục đích cuối cùng là 'lên cân' nên việc ăn đối với các bé là nghĩa vụ và các bé không có cơ hội được tập cách tự ăn. Kết quả là: nhiều bé rất sợ ăn và cũng không biết cách tự lập trong việc ăn uống.

Cách nuôi con của Việt Nam cũng không có gì sai cả nhưng để áp dụng ở bên Tây thì không thể làm nổi vì các gia đình Tây chỉ có bố mẹ, không có sự giúp đỡ của ông bà hoặc người nào khác nên bố mẹ sẽ không có thời gian chăm sóc các em bé kỹ càng như vậy được. Vì thế các em bé buộc phải tự lập trong việc ăn uống thôi.

 2. Tại sao trẻ con Tây biết tự ngủ từ rất bé, đi ngủ sớm và ngủ riêng phòng?

Ở bên Tây các bố mẹ có ý thức cho con ngủ ở phòng riêng từ rất sớm, nhiều gia đình cho con ngủ phòng riêng ngay từ lúc bé vừa sinh ra. Như thế để tạo cho bé thói quen ngủ riêng từ bé và bố mẹ cũng có không gian riêng.

Ở đây rất nhiều em bé đi ngủ sớm, hầu hết là tầm 7h-7.30 tối. Thứ nhất như thế là để đảm bảo giấc ngủ đêm để em bé có thể phát triển tốt. Thứ hai là các bé phải đi ngủ sớm và ngủ riêng thì bố mẹ, sau một ngày đi làm mệt, mới có thời gian dọn dẹp và nghỉ ngơi được. Nếu các bé cứ thức đến 10-11h đêm thì bố mẹ lấy đâu ra sức trông bé và làm các việc nhà cần thiết được? Ở Việt Nam thì bé có thể thức khuya vì bố mẹ không nhất thiết phải làm công việc nhà buổi tối (ông bà hoặc người giúp việc làm đỡ); ở Tây thì nếu bé không ngủ sớm thì cuộc sống đảo lôn hết lên: nhà cửa bừa bộn, bố mẹ phờ phạc, thức ăn không được chuẩn bị. Như vậy suy cho cùng việc đi ngủ sớm cũng là một quy luật tự nhiên của xã hội Tây mà thôi!

Còn lý do tại sao các bé Tây lại tự ngủ được thì đó là do một quá trình rèn luyện gian khổ của bố mẹ để giúp bé tự ngủ (thay vì ru hay bồng bế). Cái này đã có nhiều sách viết và hướng dẫn các phương dạy ngủ khác nhau. Tự ngủ là một kỹ năng vô cùng quan trọng của các bé Tây vì bố mẹ không có thể có thời gian cũng như nhân lực để ru con ngủ được – nhất là nếu gia đình còn các anh chị lớn khác.

 3. Tại sao trẻ con Tây hay đi theo bố mẹ shopping hoặc đi nhà hàng (hoặc đi du lịch)?

Nhiều người nghĩ các bố mẹ Tây hay đưa con đi shopping để con được mạnh dạn nhưng thực tế là: nếu bố mẹ không đưa các bé đi shopping thì các bé ở nhà với ai? Ở Việt Nam còn để các bé ở nhà với ông bà hoặc người giúp việc chứ ở Tây thì biết làm thế nào? Chính vì vậy việc đưa con đi shopping hay đi nhà hàng là chuyện bắt buộc thôi. Tất nhiên cũng nhờ có những lần đi như thế mà các bé trở nên dạn dĩ và biết nhiều thứ xung quanh hơn.

Cũng vì những lý do như vậy mà chuyện các bé Tây vài tháng đã đi du lịch với bố mẹ không phải là chuyện lạ. Du lịch với các em bé là vô cùng vất vả, đặc biệt là dưới 1 tuổi, vì các bé vẫn cần phải phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ – nhưng nếu bố mẹ muốn đi du lịch thì còn cách nào khác là phải cho bé đi cùng? Âu cũng là sự bắt buộc của cuộc sống!

Cả hai phương pháp nuôi con của Tây – Ta đều không có gì là sai và không có phương pháp nào là ưu việt hơn. Sở dĩ sự khác nhau là do môi trường sống, văn hóa và quan niệm của mỗi nơi. Các bé Tây phải tự lập sớm vì đấy là yêu cầu của cuộc sống ở nơi bé sinh sống. Nếu không tự lập thì bé sẽ không thể tồn tại được ở xã hội đó!

Giới thiệu về tác giả: Lê Thu Hương hiện đang sống ở Úc và chị đang phụ trách sinh viên trong trường ĐH Quốc Gia Úc. Có dịp tiếp xúc với rất nhiều sinh viên Quốc tế và sinh viên Việt Nam. Trước đó, chị du học ở Sing 4 năm (ĐH Quốc Gia Sing - NUS) và học Master của ĐH Quốc Gia Úc (ANU).  

Theo Lê Thu Hương (Một Thế Giới)