Từ đặc biệt xuất hiện 36 lần trong bài nói "nhắm vào Trung Quốc"

Điều ông Ashton Carter nhấn mạnh ở Đối thoại Shangri-La cũng là điều sẽ khiến Trung Quốc đuối lý trước các phiên tòa quốc tế.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hôm nay (4/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có bài phát biểu với chủ đề "Mạng lưới an ninh có nguyên tắc của châu Á – Thái Bình Dương".

Trong bài phát biểu, ông Carter đã dùng từ "có nguyên tắc" tới 36 lần. Và bài nói được tờ Strait Times của nước chủ trì Singapore cho là nhằm "hối thúc Trung Quốc".

Liệu với cách dùng từ như vậy, có phải ông Carter đang muốn nhấn mạnh tới cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, khi Bắc Kinh liên tục phủ nhận luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chung của khu vực, cũng như thế giới?

Thái độ "chướng tai gai mắt" này của Trung Quốc có thể nói chính là điểm yếu trong luận điệu vô lí mà nước này liên tục đưa ra.

Chúng tôi xin được lược dịch bài phát biểu của ông Carter, đoạn về hành động của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như lập trường của Mỹ về phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực sắp đưa ra. 

Lược trích bài phát biểu của BTQP Mỹ

Nước Mỹ hoan nghênh sự phát triển của một Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đã đóng một vai trò đầy trách nhiệm trong mạng lưới an ninh có nguyên tắc của khu vực.

Chúng tôi biết những gì Trung Quốc đã làm để gây dựng một mạng lưới vững chắc hơn, một khu vực thịnh vượng, an toàn và ổn định hơn.

Trên tất cả các phương diện tương tác với đối tác Trung Quốc, Mỹ liên tục khuyến khích Trung Quốc đưa ra những hành động ủng hộ - chứ không phải lược trừ - các nguyên tắc chung đã được áp dụng rất thành công ở nhiều nơi thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

Khu vực sẽ trở nên vững mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi tất cả các nước cùng nỗ lực tiến tới một viễn cảnh chung, nơi các nguyên tắc chung được gìn giữ và tất cả các nước đều được đối xử bình đẳng bất kể lớn, bé và các tranh chấp được giải quyết hòa bình, theo luật pháp.

Không may là, có một nỗi lo ngại đang lớn dần ở khu vực này, trong căn phòng này, về các hành động của Trung Quốc trên biển, trong không gian mạng và cả không phận của khu vực.

Thực ra, trên Biển Đông, Trung Quốc đã có những động thái bành trướng, chưa từng có tiền lệ, làm nảy sinh lo ngại về ý đồ chiến lược của Bắc Kinh.

Và các nước trong khu vực đang đưa ra các hành động đối phó, bày tỏ mối lo ngại, một cách đơn lẻ, lẫn công khai, ở các cấp cao nhất, trong các hội nghị khu vực, và cả diễn đàn quốc tế.

Kết quả là, những gì Trung Quốc làm trên biển Đông đang cô lập nước này, trong thời điểm mà toàn khu vực đang cùng hợp tác và kết nối với nhau. 

Đáng tiếc là, nếu những động thái ấy tiếp diễn, có thể kết cục Trung Quốc sẽ dựng lên một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập chính mình.

Từ đặc biệt xuất hiện 36 lần trong bài nói

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.

Hiện giờ, Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp trên biển Đông. Và chúng tôi không về phe bên nào cả. 

Nhưng nước Mỹ sẽ đứng cùng phía với các đối tác trong khu vực để duy trì các nguyên tắc cốt lõi, cũng như quyền tự do hàng hải, bay qua không phận và các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế luật pháp quốc tế.

Như tôi đã nói cách đây một năm, tại diễn đàn này và như Chiến dịch Tự do Hàng hải Mỹ đang triển khai ở Biển Đông, Washington sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay, đưa tàu bè qua lại ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, để bất cứ nước nào trong khu vực cũng có thể làm như vậy.

Và Mỹ sẽ làm việc với tất cả các nước châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo rằng, các nguyên tắc cốt lõi ấy có hiệu lực ở biển Đông, cũng giống như bất cứ nơi nào khác.

Bởi chỉ khi ai cũng "chơi cùng một luật" thì chúng ta mới có thể tránh được các lỗi lầm trong quá khứ. Thời điểm đó, khi các nước thách thức một nước khác trong cuộc so kè ý chí và sức mạnh, đều đem về những hậu họa kinh hoàng cho khu vực.

Mỹ xem phán quyết sắp được đưa ra của Tòa Trọng tài Thường trực về biển Đông là cơ hội cho Trung Quốc và các nước trong khu vực tiến tới một tương lai có nguyên tắc, nối lại mối quan hệ ngoại giao, giảm thiểu căng thẳng, thay vì khiến chúng bùng phát. 

Tất cả chúng ta nên cùng nhau hợp tác để đảm bảo cơ hội này được hiện thực hóa. 

Theo ttvn