Từng bị coi là rau dại, công dụng bất ngờ của rau càng cua đối với sức khỏe không phải ai cũng biết

Trước đây rau càng cua từng bị xem là rau dại, chỉ cho gia súc ăn. Nhưng ngày nay rau càng cua được chế biến thành các món ăn đầy dinh dưỡng và là dược liệu được dùng trong điều trị bệnh.

Rau càng cua là rau gì?

Rau càng cua thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae), là một loại rau dại mọc quanh năm ở nơi mát và ẩm ướt và thường có chiều cao 15−45 cm, có thân mọng nước, lá hình tim, hạt nhỏ dễ phát tán đi xa. Khi vò hay nghiền nát, rau có mùi thơm nhẹ, the mát tương tự như mù tạt. Loại rau dân giã này thuộc họ hồ tiêu, họ cây có khoảng 12 chi với 3.000 chủng loại.

Rau càng cua có các thành phần dinh dưỡng gì?

Theo nghiên cứu khoa học, thành phần dinh dưỡng của rau càng cua với 92% nước cùng 8% là các vitamin, khoáng chất như beta caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magiê, vitamin C…

Cụ thể, 100gram rau càng cua cung cấp 24 calo cho cơ thể, gồm:

277mg kali;

224mg canxi;

62mg magiê;

5.2 mg vitamin C.

Đây là những chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người và cần thiết bổ sung cho cơ thể.

tung-bi-coi-la-rau-dai-cong-dung-bat-ngo-cua-rau-cang-cua-doi-voi-suc-khoe-khong-phai-ai-cung-biet

Rau càng cua là một loại rau dại mọc quanh năm ở nơi mát và ẩm ướt.

Rau càng cua có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Trên VietnamNet, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, ngoài được sử dụng để chế biến món ăn rau càng cua còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Rau càng cua mọc dại, có rất nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền như rau tiêu, đơn buốt, quỷ châm thảo, thích châm thảo, cương hoa thảo hay rau đơn kim.

Trước đây, người dân thu dọn như cỏ dại vì rau mọc ở các vùng đất ẩm, góc vườn... Ngày nay, rau càng cua trở thành món nhiều người mê, giá thành khá cao. Có thể dùng rau càng cua trộn salad, gỏi, nấu canh hoặc có thể ép trực tiếp lấy nước uống.

Theo nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện càng cua rất nhiều dưỡng chất đặc biệt là kali. Ngoài ra, càng cua còn chứa Peperomin E có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Bổ sung rau càng cua vào bữa ăn hằng ngày cũng là cách hữu hiệu để ức chế tác hại xấu của các gốc tự do trong cơ thể.

Ăn rau càng cua giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, xơ vữa động mạnh nhờ hàm lượng chất xơ cao. Các khoáng chất như kali, magie tốt cho kiểm soát chỉ số huyết áp, giảm mỡ máu, giảm chỉ số đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tim mạch.

Rau càng cua còn tốt cho sự phát triển của xương, được dùng trị bệnh loãng xương ở người lớn và chống bệnh còi xương ở trẻ nhỏ. Càng cua còn chứa hợp chất beta - carotene (tiền vitamin A) tốt cho thị lực.

Trong Đông y, rau càng cua có tính hàn, vị chua cay giúp bổ âm, dưỡng huyết, tiêu độc thanh nhiệt, thông ứ, chỉ thống, lợi cả về đại lẫn tiểu tiện. Khi có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột cũng có thể dùng rau càng cua để chữa bệnh.

Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, đau nhức xương khớp... Vì rau càng cua có tính giải nhiệt, vị lại hơi chua, mọng nước nên có tác dụng giải khát cũng rất tốt.

tung-bi-coi-la-rau-dai-cong-dung-bat-ngo-cua-rau-cang-cua-doi-voi-suc-khoe-khong-phai-ai-cung-biet

Rau càng cua có tính giải nhiệt nên tác dụng giải khát cũng rất tốt.

Những đối tượng nào không nên ăn rau càng cua?

Rau càng cua lợi tiểu, chứa nhiều nước, do đó không nên ăn nhiều vào buổi tối.

Người bị dị ứng, hen suyễn và có tiền sử hen suyễn nên tránh không ăn.

Người có cơ thể hàn, chân tay lạnh cần thận trọng khi sử dụng loại rau này.

Những bài thuốc hay từ rau càng cua

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, một số bài thuốc từ rau càng cua có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh:

Chữa viêm họng, khản tiếng: Rửa sạch rau càng cua, sau đó nhai ngậm hoặc xay nước uống ngày 50-100g.

Chữa thiếu máu: Lấy 100g rau càng cua rửa sạch bóp với giấm, đem xào với thịt bò, ăn vài lần trong tuần.

Chữa tiểu gắt, tiểu khó: Ăn sống rau càng cua hoặc nấu nước uống ngày 150-200g.

Chữa đau lưng cơ co rút: Sắc rau càng cua uống mỗi ngày 50-100g.

Chữa nhiễm khuẩn đầu ngón tay (chín mé): Rau càng cua 100-150g sắc uống trong, bã đắp ngoài.

Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: Ăn sống rau càng cua hoặc xay nước uống hoặ giã đắp ngoài da.

Chữa sốt rét, đau đầu: Nghiền lá rau càng cua ra dùng đắp.

Rau càng cua làm món gì?

tung-bi-coi-la-rau-dai-cong-dung-bat-ngo-cua-rau-cang-cua-doi-voi-suc-khoe-khong-phai-ai-cung-biet

Một số món ăn ngon từ rau càng cua.

Dưới đây là một số gợi ý làm món ăn từ rau càng cua:

Rau càng cua trộn thịt bò: Dùng rau càng cua làm món trộn với thịt bò sẽ hấp dẫn các thành viên trong gia đình. Đây là món ăn nhìn rất tươi ngon, hương vị chua ngọt của rau xanh với vị đạm đà của thịt bò rất thích hợp làm món khai vị ngon miệng.

Gỏi rau càng cua: Có thể làm gỏi rau càng cua với thịt gà; gỏi rau càng cua tôm; rau càng cua trộn trứng tùy theo sở thích. Món ăn lạ miệng này sẽ hấp dẫn các thành viên trong gia đình.

Canh rau càng cua với thịt băm: Trong bữa cơm hàng ngày có thể chế biến rau càng cua nấu canh với thịt băm giúp thanh nhiệt cơ thể.

Theo GiaDinh