Vụ xe Mazda vừa mua đã chết: Nếu tự... đốt xe có phạm luật?



Tuyên bố sẽ đốt xe nếu không tìm được công bằng của anh Phan Văn Thông (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khổ chủ sở hữu chiếc xe Mazda BT 50 vừa mua đã "chết" đang khiến dư luận xôn xao. Nếu làm thật thì hành động của anh Thông có phạm luật?

Như Báo Gia đình & Xã hội đã phản ánh qua bài viết “Sẽ… đốt xe nếu không tìm được công bằng” về tuyên bố của anh Phan Văn Thông, chủ xe bán tải Mazda BT 50 trong quá trình tìm công lý của mình, theo đó, anh Thông cho rằng anh sẽ “đốt chiếc xe này cho công lý” nếu không tìm được công bằng.

Vụ xe Mazda vừa mua đã chết: Nếu tự... đốt xe có phạm luật?
Anh Phan Văn Thông, chủ xe Mazda BT 50 đội mưa, đi xe máy 100km để bổ sung hồ sơ cho TAND TP Vinh. Ảnh VT

Phản ứng của anh Thông ngay lập tức gây xôn xao dư luận, nhất là cộng đồng sử dụng ô tô trên diễn đàn Otofun. Rất nhiều ý kiến đã tỏ rõ sự sẻ chia với nỗi khổ mà anh Thông đã và đang phải đối diện.

Số không ít còn lại thì đồng tình ủng hộ với tuyên bố của anh Thông. Thậm chí còn có nhiều ý kiến về việc quyên góp tiền giúp anh Thông mua một chiếc xe mới sau khi anh thực hiện tuyên bố đốt xe của mình.

Vụ xe Mazda vừa mua đã chết: Nếu tự... đốt xe có phạm luật?
Luật sư Trần Đình Triển. Ảnh TL

Từ tuyên bố của anh Thông phần nào cho thấy sự tuyệt vọng mà anh đang đối diện khi xử lý sự cố liên quan đến chiếc xe Mazda BT 50. Đi kèm với đó là sự bức xúc vì cách đây hai năm anh đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu chiếc xe mới tinh này.

Ở một góc độ nào đó, cộng đồng lái xe có thể sẻ chia được với phản ứng qua tuyên bố của anh Thông. Tuy nhiên, trên góc độ pháp lý, nếu anh Thông đốt xe thật thì hành động này có phạm luật?

Ghi nhận ý kiến từ các luật sư của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy đang tồn tại nhiều nhận định khác nhau.

Theo luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) thì chiếc xe mà anh Thông đang sở hữu đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nên đốt xe là vi phạm.

“Không đùa được đâu, nếu xe còn trong thời gian bảo hành thì hãng phải bảo hành. Cần xác định thêm trách nhiệm của bảo hiểm nữa chứ không nên phản ứng tiêu cực như vậy. Vụ việc này khởi kiện ra tòa là hợp lý. Tòa sẽ trưng cầu giám định và xác định được rõ bản chất” – luật sư Triển nói.

Vụ xe Mazda vừa mua đã chết: Nếu tự... đốt xe có phạm luật?

Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh TL

Còn theo ý kiến của luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) thì việc đốt là quyền của chủ xe nhưng đốt không khéo sẽ phạm luật.

“Nếu đốt mà gây ra ôi nhiễm môi trường thì sẽ bị xử phạt về vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

Đốt ở đường giao thông, ở ngã ba, ngã bảy rồi khiến người dân hiếu kỳ tụ tập, gây tắc đường trên 2 tiếng đồng hồ thì người đốt sẽ đối diện cáo buộc vi phạm về gây rối trật tự công cộng.

Còn chiếc xe là tài sản của họ, họ có quyền sử dụng, sở hữu, định đoạt nên việc họ ném, vứt bỏ, đốt là quyền của họ. Việc họ thấy bất bình, không thỏa đáng thì đốt sẽ tạo ra tiếng vang về việc bảo vệ người tiêu dùng, để dạy cho nhà phân phối một bài học.

Tuy nhiên, đây là cách làm tiêu cực, anh có quyền làm nhưng không có quyền để ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội” – luật sư Tú nói.

Vụ xe Mazda vừa mua đã chết: Nếu tự... đốt xe có phạm luật?
Luật sư Phạm Ngọc Minh. Ảnh TL

Cùng chung quan điểm, luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH luật Everest (Hà Nội) cho rằng, nếu anh Thông hủy hoại tài sản của mình thì không sao. Tuy nhiên, nếu gây ra các hậu quả về môi trường, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông… thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Theo Minh Anh (Giadinh)