Điểm mặt các chất bảo quản thường dùng cho mặt hàng khô

Mục đích sử dụng hoá chất bảo quản là làm bất hoạt các enzym phân huỷ tự có trong thực phẩm, ức chế sự phá huỷ của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, mốc, ngăn ngừa côn trùng phá hoại đồ khô.

Tôm, mực, cá khô là những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Vào mùa mưa, vài lát khô cá lóc, cá tra hay cá dứa trên bàn ăn đều trở thành... đặc sản.

Tuy nhiên, nếu không đề phòng, người tiêu dùng dễ mua phải những loại sản phẩm khô có tẩm hóa chất độc hại mà không biết.

Theo những thương lái buôn bán các mặt hàng tôm cá khô ở các chợ đầu mối thì các sản phẩm này thường được tẩm ướp hóa chất khá nhiều.

Tôm cá nguyên liệu mua về, loại ngon được lựa chọn chế biến riêng. Phần còn lại được luộc sơ, lột vỏ, tẩm ướp gia vị, hóa chất, trong đó không thể thiếu phẩm màu để tôm cá săn, cứng và màu sắc bắt mắt.

Điểm mặt các chất bảo quản thường dùng cho mặt hàng khô
Hàng khô được bày bán đầy các chợ nhưng ít khi được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hiền (Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ Thực phẩm, Đại Bách Khoa Tp.HCM) cho biết: Các mặt hàng tôm cá nguyên liệu càng không bảo đảm chất lượng thì càng bị nhà sản xuất sử dụng nhiều hóa chất.

Thậm chí họ còn sử dụng một số loại hóa chất mà tên gọi chỉ là tên thương mại nên các ngành chức năng khó kiểm soát được.

Một số hóa chất thường dùng để chống mốc như benzoat natri, chống vi khuẩn như natrinitric... Còn clorin chủ yếu là chất sát trùng, tẩy trắng, có mùi hôi, sử dụng nhiều sẽ có vị đắng...

Mọi loại hóa chất, dù được Bộ Y tế cho phép, nhưng sử dụng quá liều, không kiểm soát vẫn gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.

Việc bảo quản thịt cá thường là khó nhất vì hàm lượng nước, hàm lượng đạm và chất béo của chúng thường cao. Hơn nữa chúng lại có nhiều men phân huỷ nên việc bảo quản không hề đơn giản.

Để đối phó với sự phân hủy đó, các nhà sản xuất thường dùng clorin và clorin dioxit. Hai chất này có khả năng diệt vi khuẩn E.coli, listeria monocytogenes, pseudomonas, lactobacillus, E.coli, salmonella, aeromonas hydrophila.

Người ta cũng sử dụng một số chất khác như: axit lactic, axit axetic, axit propionic và các hợp chất nitrat.

Điểm mặt các chất bảo quản thường dùng cho mặt hàng khô
35% bệnh nhân ung thư trên thế giới có liên quan đến yếu tố thực phẩm (WHO).

Với các loại thịt cá, tôm… để khử trùng, tẩy trắng, người ta thường sử dụng clorin, chất này nếu sử dụng nhiều sẽ để lại mùi hôi khó chịu, dính vào quần áo có thể bị rách.

Riêng cá khô có lớp da bên ngoài tươi như vừa phơi xong là do được phun rửa bằng sorbitol (chất tạo độ ngọt, độ bóng...), nồng độ cho phép sử dụng là khoảng 3,5g/kg cá khô.

Một số nơi người ta còn sử dụng thuốc xịt côn trùng, sử dụng ôxy già, cồn, thậm chí cả nước tẩy nền nhà để rửa cá, tôm khô bị mốc.

Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi các loại thủy hải sản sau khi chết một vài giờ đã bị phân hủy. Đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (là chất chuyển hóa dở dang của chất đạm, thường có trong cá biển).

Nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng.

Lượng histamine trong cá khô thường rất cao. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm.

Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.

Ngoài ra, các loại thuốc diệt kiến, diệt ruồi đều rất độc sẽ gây nên những tổn thương nội tạng lâu dài ở người dùng.

Theo suckhoe