Những ngôn từ sáng tạo "không nhịn được cười" của bé khi làm bài tập Văn, Tiếng Việt

Bằng trí tưởng tượng phong phú và suy nghĩ thật thà của trẻ thơ đã tạo ra những bài văn có 1-0-2.

Em tặng mẹ một con hiểu bài

Vừa đây, dư luận lại được phen "cười té ghế" khi đọc bài tập Tiếng Việt của một em bé tiểu học. Theo đó, đề ra yêu cầu đặt một câu có dùng từ "tặng". Em học sinh đã dựng câu văn đầy ngây thơ khiến chính bản thân cô giáo này bất ngờ: "Em tặng mẹ một con hiểu bài".

Những ngôn từ sáng tạo

Nếu xét về ngữ pháp câu văn này được xem không có nghĩa, không đúng cấu trúc chắc hẳn nhiều người khi đọc qua thì không hiểu được em bé định diễn đạt điều gì. Thế nhưng, với các giáo viên tiểu học, đặc biệt là các phụ huynh thì quá rõ điều bé muốn nói.

Thông thường học sinh thường đặt câu là "Em tặng mẹ một điểm 10" nhưng giờ đây do học sinh tiểu học không còn được chấm điểm, không còn điểm 10 như trước nữa mà thay bằng những lời nhận xét "con hiểu bài", "con học tốt", "con viết chữ đẹp".... và thế là "tặng mẹ một con hiểu bài" là hoàn toàn có lý và vô cùng đáng yêu

Con chó vâng lời ông bà, bé... sủa ăng ẳng

Cùng câu chuyện về đặt câu, ghép câu tiếng Việt, chị An Xinh Trương - Phụ huynh của cậu học trò nhỏ cũng nhịn được cười bởi sự ngây thơ, trong sáng của con khi làm bài.

Những ngôn từ sáng tạo

Chị chia sẻ: "Buổi tối con zai tôi học 1 tiếng. Mất 2p cho 4 bài toán đúng 100%. Và 58p cho 3 bài tiếng Việt sai be bét. Cười gần chết, bảo nó là: Mẹ chưa từng thấy chữ ai xấu như chữ Tony.

Nó bảo: Có từng rồi đấy, hôm trước mẹ bảo hồi bé chữ mẹ rất xấu, nhưng chữ xấu không quan trọng, quan trọng là hiểu bài. À vâng, hiểu bài mà: BÉ SỦA ĂNG ẲNG. Xong bảo nó là sai rồi thì nó sửa lại là: ĐÀN CÁ SỦA ĂNG ẲNG. Rồi đến BÉ BỚI LUNG TUNG. Xong định nối CON CHÓ VÂNG LỜI ÔNG BÀ thì mẹ cười quá nên nó kịp stop lại!".

Nhà em có nuôi 1 ông bố... lười

Trước đó, một bài văn thú vị tả ông bố lười cũng gây xôn xao dư luận. Bé Đỗ Hồng Anh (8 tuổi) thật thà chia sẻ trong bài viết của mình:

"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố trả (chả) dọn rồi xuống chat Za lô (Zalo) với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ô xin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".

Những ngôn từ sáng tạo

Ông bố được miêu tả trong bài văn là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980) – làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin - trường ĐH Thương mại Hà Nội.

Sau khi được cô giáo chia sẻ, anh Hà đã đăng bài viết thú vị của con lên Facebook cá nhân để sinh viên đọc… cho vui. Bất ngờ bài văn này được cộng đồng mạng lan tỏa.

Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn trẻ cần được phát huy khuyến khích sự sáng tạo của bản thân, nhưng thực tế những bài văn này được coi là "của lạ" bởi đa số học sinh vẫn viết theo mẫu có sẵn của giáo viên.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trí, chuyên gia của chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường (SEQAP) chia sẻ trên Vietnamnet một câu chuyện: “Một học sinh làm đề bài “Tả một người bạn thân của em” đã hỏi ông của mình: “Ông ơi, cháu tả con Chó Chảo có được không?”. Chó Chảo là tên con thú bông mà em rất thích. Với em, đây là người bạn thân, khi ăn khi ngủ em đều đặt cạnh. Đi chơi đâu em cũng mang theo. Em coi nó là người bạn thân nên mới hỏi ông như vậy.

Nếu đặt địa vị là ông em bé, chúng ta sẽ trả lời thế nào? Khuyên em cứ làm theo mong muốn, suy nghĩ của ngây thơ của mình. Nhưng nếu cô giáo không nghĩ như thế thì sao? Có thể lại có một điểm 0 vì cô cho rằng không ai lại coi một con thú bông là người bạn thân. Lúc ấy sẽ là một cú sốc với em học sinh kia. Còn khuyên em từ bỏ ý nghĩ hồn nhiên đó, đi tìm một “người” bạn thân để tả thì sẽ trả lời sao nếu em hỏi “Ông ơi, vì sao chú Chó Chảo lại không là bạn thân của cháu?”.

Qua câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Trí cho rằng mỗi giáo viên nên mở lòng để chấp nhận mọi cách kể, cách tả khác với suy nghĩ quan niệm của mình mà học sinh viết trong bài làm.

Khi ấy, giáo viên mới có thể đánh giá đúng năng lực của học sinh, khuyến khích các em giữ được sự hồn nhiên, ngây thơ, có cách cảm, cách nghĩ, cách tả của riêng mình.

Theo Hà My (Phunuonline)