10 năm nữa, mỗi nông dân TP.HCM sẽ có 4.500 USD/năm

UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, 10 năm nữa, mỗi nông dân TP.HCM sẽ kiếm được 4.500 USD/năm. Cùng với sự phát triển chung của thành phố, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra những đột phá, bản sắc riêng...

Bức tranh xán lạn

Để đáp ứng nhu cầu của đề án, theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đến năm 2020 ngành nông nghiệp phải hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch vùng chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, điều chỉnh quy hoạch sản xuất muối Cần Giờ, quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn 2025; nghiên cứu và quy hoạch các vùng rau an toàn, các vùng trồng hoa – cây cảnh, cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; quy hoạch chương trình nuôi cá kiểng, bò sữa…

Hiện TP.HCM đã phê duyệt một số dự án phát triển nông nghiệp đô thị. Theo đó, với chương trình rau an toàn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 diện tích gieo trồng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đạt 16.319ha, giá trị sản xuất đạt trên 800 triệu đồng/ha/năm, trong đó, gần 100% vùng sản xuất rau được chứng nhận VietGAP; hình thành 1 – 2 vùng rau ứng dụng công nghệ cao.

10 năm nữa, mỗi nông dân TP.HCM sẽ có 4.500 USD/năm

Anh Nguyễn Trung Lập (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) với máy cải tiến ủi   phân, tiết kiệm được sức lao động đáng kể. Ảnh:  Đặng Minh

Với chương trình phát triển giống bò thịt, mục tiêu đến năm 2020 tổng đàn bò thịt trên địa bàn TP.HCM đạt 30.000 con. Hàng năm cung ứng 10.000 tấn thịt bò hơi và 7.000 con bò cái giống cho người chăn nuôi trong, ngoài TP.HCM... Trong khi đó, với chương trình phát triển hoa kiểng trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng của TP.HCM đạt 2.250ha, trong đó diện tích hoa lan đạt 400ha, hoa mai đạt 500ha. Phấn đấu nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hoa, cây kiểng; giá trị sản xuất hoa, kiểng bình quân đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. 90% hộ trồng hoa lan có quy mô sản xuất từ 5.000m2 trở lên có áp dụng cơ giới hóa...

Tất cả những chương trình này, theo ông Trung, là với mục đích xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn.

Lấy khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển

TS Trần Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận định, nếu muốn thành công với đề án nông nghiệp đô thị, TP.HCM không có cách nào khác là lấy khoa học công nghệ (KHCN) làm động lực phát triển. “KHCN không chỉ là “xương sống” của nền nông nghiệp mà còn là “chìa khóa” đánh thức tiềm năng sẵn có của nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ ở TP.HCM mà còn cả nước”-  ông Tuấn nói.

Các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đòn bẩy thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, giúp ngành nông nghiệp TP.HCM đi đến một nền nông nghiệp đô thị bền vững”. Ông Thái Quốc Dân - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM 

Với mục tiêu này, thành phố xây dựng hẳn một chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN cho nông nghiệp, nông dân. Sở KHCN TP.HCM cho biết, đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng khoảng 120 mô hình ứng dụng chuyển giao KHCN có hiệu quả; xây dựng 20 mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa; chuyển giao khoảng 150 lượt công nghệ mới; 3.000 lượt nông dân có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám địa bàn giúp nông dân mở rộng việc ứng dụng KHCN đã được chuyển giao…

Cùng với mục tiêu chuyển giao KHCN cho nông dân, ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, Hội đang xây dựng chương trình đưa nông dân TP.HCM tiếp cận những ứng dụng KHCN trong sản xuất. Mới đây, Hội đã đưa 13 doanh nhân nông dân TP.HCM tiếp cận những thành tựu công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đô thị của các doanh nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM), như: Hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao Smart Agri trong trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản (Công ty Global Cyber Soft); phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công nghệ cao vào sản xuất và cung ứng thức ăn thô xanh ủ chua (Công ty Nông Hữu Thuận Sinh) và Chip thông minh ứng dụng trong việc kết nối giữa các thành phần theo nhu cầu của người đặt hàng (Công ty Greenvity Communications).

Động lực từ hỗ trợ lãi vay

Với mục đích xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, cũng như tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP.HCM đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay sản xuất nông nghiệp cho doanh nghiệp và nông dân (Quyết định 04).

10 năm nữa, mỗi nông dân TP.HCM sẽ có 4.500 USD/năm

Người dân  tìm hiểu về quy trình trồng cà chua trong nhà kính tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Trần Thế 

Với quyết định này, theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, các tổ chức, cá nhân có dự án, phương án khả thi để đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông được ngân sách TP.HCM hỗ trợ 80% lãi suất. Đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác theo quy hoạch và theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn; sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc phát triển du lịch sinh thái được ngân sách hỗ trợ 60% lãi suất. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã có 18.515 hộ dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi vay của TP.HCM với tổng vốn đầu tư 8.141 tỷ đồng, vốn vay có hỗ trợ lãi vay là 4.948 tỷ đồng (Quyết định 36). Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp vay vốn theo chính sách trên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam bình quân vay trên 15 tỷ đồng/năm để đầu tư sản xuất bắp giống tại huyện Củ Chi, với diện tích bình quân 600 ha/năm, phương thức ứng giống bố mẹ cho hộ dân, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; hay trang trại lan Huyền Thoại của bà Đặng Lê Thanh Huyền (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) vay bình quân 5 tỷ đồng/năm, với quy mô 5ha sản xuất hoa lan.

Hộ anh Đặng Văn Còn – nông dân tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) bình quân vay trên 1 tỷ đồng/năm để nuôi hàu, thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm... “Nhờ chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố mà tôi đã mở rộng được quy mô sản xuất, chứ như trước đây, khi chưa tham gia chính sách này tôi làm chỉ đủ ăn là may”- anh Còn thổ lộ.

Ông Đặng Xuân Bình - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, việc thực hiện các chính sách này trong 5 năm qua đã giúp huyện đưa 7.100ha vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng năm. Sản lượng tăng trung bình 17,8%/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 4.000 lao động mỗi năm.

Theo danviet