Bệnh nhân mang 'án tử' và hệ lụy từ tâm lý sính ngoại!?

Càng bệnh hiểm nghèo, người dân lại càng săn lùng mua thuốc đặc trị với mong muốn “cải tử hoàn sinh”. Vậy nhưng, họ đang “đánh cược” với mạng sống vì mua phải hàng không rõ nguồn góc, kém chất lượng.

Thuốc tân dược “xách tay” giả - cái chết thật!

Mới đây, tại hội thảo về bệnh viêm gan virus do Bộ Y tế tổ chức, TS.Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nước ta hiện có hàng nghìn ca nhiễm viêm gan virus mới mỗi năm. Rất nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và đến khi phát hiện thì đã ung thư gan. Viêm gan virus B và C là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan, tuy nhiên chi phí mua thuốc điều trị viêm gan C hiện còn quá cao nên nhiều bệnh nhân không có khả năng chi trả.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, cũng vì mức chi phí điều trị quá lớn, thuốc đặc trị đắt đỏ, theo ông Kính đó cũng là nguồn cơn để người bệnh tìm mua thuốc điều trị “xách tay” nhưng nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát và nguy cơ cao là thuốc giả làm bằng bột mì, không có tác dụng điều trị, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Bệnh nhân mang 'án tử' và hệ lụy từ tâm lý sính ngoại!?

Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài phát hiện tân dược nhập lậu cất giấu trong hành lý xách tay (Ảnh BaoHaiquan).

Nhận định trên chính là hồi chuông cảnh báo về thực trạng người Việt đang sính ngoại, đặt cược tính mạng của mình với kiểu kinh doanh gắn mác hàng xách tay. Giá thuốc thì đắt, số người mắc bệnh nan y ngày càng gia tăng khiến cho thị trường thuốc tân dược càng trở nên bát nháo.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Lâu nay mình vẫn quan niệm thuốc tân dược ngoại được sản xuất ở nước ngoài có tiêu chuẩn khắt khe nên tốt hơn thuốc nội, thậm chí thuốc ngoại mua trong nước cũng không “chuẩn” bằng hàng xách tay nên mình quyết tìm mọi mua bằng được thuốc đặc trị “xách tay” chữa viêm gan virus cho bố chồng. Giá thuốc cũng rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, người bán nói sao mình tin vậy chứ không biết hàng có đảm bảo chất lượng”.

Cũng giống như bệnh viêm gan virus thì các bệnh ung thư (ung thư gan, phổi, xương…) đòi hỏi quá trình điều trị bệnh dai dẳng, thuốc đặc trị vô cùng đắt đỏ. Thế nên, khi trên mạng rao bán các loại thuốc “xách tay” có giá “mềm” hơn so với thị trường trong nước sẽ khiến người tiêu dùng bị mờ mắt.

Theo một số chuyên gia, với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, nhiều người khi nghe ai giới thiệu một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh, họ đều muốn tìm đến ngay. Đặc biệt, những loại thuốc “xách tay” nhưng giá lại “mềm” hơn trong nước lại càng khiến người tiêu dùng ưa chuộng. Điều này cũng dễ hiểu, vì người mắc bệnh nan y thường sẽ có tâm lý bế tắc. Và khi có những sản phẩm mới, được quảng cáo là “xách tay” thì ai cũng cho rằng đó là hy vọng mới và họ cũng muốn thử.

Bác sỹ cũng “sính ngoại”!?

Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để có những quyết định đúng, phân biệt hàng thật, hàng giả. Theo quan các bác sỹ, người bệnh không thể “đặt cược” với tính mạng của mình. Liên quan đến vấn đề sức khỏe, điều trị bệnh thì người dân càng phải thận trọng. Tân dược làm nhái, làm giả có thể khiến quá tình điều trị bệnh thêm dai dẳng, trầm kha, thậm chí cướp đi mạng sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân mang 'án tử' và hệ lụy từ tâm lý sính ngoại!?

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hà Tiên bắt giữ lô hàng nghi là thực phẩm chức năng nhập lậu (Ảnh Baohaiquan).

TS.Nguyễn Thị Kim Quý chuyên gia tư vấn tâm lý tại trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông, cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (thuộc bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, tâm lý bệnh nhân sính thuốc tân dược xách tay là do quan niệm thuốc ngoại sẽ tốt hơn thuốc nội. Hơn nữa, có những loại thuốc đặc trị trên thị trường trong nước khan hiếm nên họ phải tìm đến các cơ sở kinh doanh hàng xách tay. Điều quan trọng, các doanh nghiệp trong nước chưa tạo dựng được thương hiệu vì thế dù hàng tân dược nội đảm bảo chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn “quay lưng”.

Tâm lý sính ngoại không chỉ riêng mặt hàng thuốc tân dược mà ở tất cả mọi lĩnh vực. Sở dĩ người dân sính hàng ngoại là do tâm lý đám đông, cứ hàng ngoại tốt hơn hàng nội. Hơn nữa, người dân đang bị mất niềm tin ở lĩnh vực này và lan sang lĩnh vực khác. Có thể hàng tân dược đảm bảo nhưng có quá nhiều vụ việc liên quan đến ATTP được phanh phui khiến người dân nghi ngờ. Chúng ta phải trả lời câu hỏi, vì sao người dân thích sang nước ngoài khám bệnh hơn trong khi đội ngũ bác sỹ của ta rất giỏi. Đó là vì ở nước ngoài đội ngũ bác sỹ tận tình hơn.

Thêm nữa, tâm lý sinh ngoại cũng bắt nguồn chính từ tâm lý của bác sỹ. Bác sỹ kê đơn cũng “ưu tiên” kê thuốc ngoại, thuốc đắt tiền dẫn đến tâm lý người bệnh tin tưởng thuốc ngoại là tốt. Việc kê đơn của bác sỹ sẽ càng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh và tạo ra thói quen tiêu dùng cho người dân. Vì thế, cần thay đổi thói quen từ chính đội ngũ bác sỹ.

Theo Nguoiduatin