Bị cướp túi xách, cô gái trẻ ngã xuống chấn thương sọ não chờ chết

Cô gái trẻ đang trên đường về quê để làm đám giỗ cha đã bị tên cướp áp sát giật túi xách, khiến té ngã gây chấn thương sọ não.

Tối 27/6, nhiều người thân của cô gái Lê Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê Đồng Tháp) tập trung trước khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Gia Định (TP HCM) với vẻ mặt thất thần để chờ thông tin từ phía các bác sĩ. Nhiều người thân đã không cầm được nước mắt khi nghe tin Tuyềnkhông có khả năng hồi phục.

bi-cuop-tui-xach-co-gai-tre-nga-xuong-chan-thuong-so-nao-cho-chet
Đoạn đường nơi cô gái trẻ gặp nạn. Ảnh: NT

Theo người nhà nạn nhân cho biết, chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày giỗ cha nên rạng sáng cùng ngày, Tuyền thuê xe ôm chở ra bến xe miền Tây để về quê. Xe chạy trên đường Võ Thị Sáu, cô gái ngồi xe một bên, tay ôm túi xách chứa hơn 18 triệu đồng. Đến giao lộ với Thạch Thị Thanh, Tuyền bị một người đi xe máy áp sát giật mạnh túi xách.

Cô gái trẻ xa quê lên TP.HCM mưu sinh cố giằng lại túi xách nên bị mất thăng bằng, té đập đầu xuống đường, bất tỉnh, tay vẫn ôm chiếc túi.

bi-cuop-tui-xach-co-gai-tre-nga-xuong-chan-thuong-so-nao-cho-chet
Khi ra đường cần cảnh giác với bọn cướp giật. Ảnh: Internet

Tên cướp không lấy được túi xách đã rồ ga bỏ chạy mà không ai truy đuổi kịp. Hay tin con gái gặp nạn, mẹ của Tuyền đã đón xe lên bệnh viện chăm sóc con. Nghe bác sĩ thông báo con gái đã chết não, rút ống thở, có thể... tử vong, bà đã gào khóc thảm thiết, rồi ngất xỉu.

“Bác sĩ cho biết Tuyền bị chấn thương sọ não, mọi người sẽ đưa em về quê cho đúng ngày giỗ cha. Giờ chỉ cần rút ống thở là Tuyền tử vong” - một người thân nói trong nước mắt.

Sau tai nạn, lực lượng chức năng quận 1 đã đến khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc.

Theo ngành chức năng, những năm trở lại đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Người gây án tập trung vào số thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 - 30, không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng các loại chất kích thích (bia, rượu, ma túy…) và đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi lô đề. Tỉ lệ tái phạm của những người gây án có tiền án, tiền sự khá cao. Đáng lo ngại là tình trạng học sinh, sinh viên cũng đi gây án.

Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên. Chúng thường có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm, như tên chuyên cầm lái, tên chuyên ngồi sau để giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi.

Có băng nhóm lại phân công đứa chuyên đi “tăm tia” ở các địa điểm như ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM. Phương thức gây án phổ biến là sử dụng xe máy “đi dạo” trên các tuyến đường để quan sát. Khi thấy có người mang theo tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (như điện thoại di động, máy ảnh, nữ trang, túi xách, vàng, tiền mặt…), hoặc những người vừa giao dịch trong ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM đi ra, chúng liền tổ chức đeo bám.

bi-cuop-tui-xach-co-gai-tre-nga-xuong-chan-thuong-so-nao-cho-chet
Tâm lí của tội phạm cướp giật rất manh động, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác,
miễn là cướp được tài sản. Ảnh: Internet

Đến những địa điểm thuận lợi (như đường thoáng rộng hay có nhiều ngả rẽ tiện cho việc tẩu thoát, phía trước vắng người…), chúng lập tức tăng ga áp sát mục tiêu để cướp giật túi đồ đựng tiền, vàng rồi tẩu thoát. Nếu bị truy đuổi, kẻ chạy xe phía sau sẽ làm nhiệm vụ ngăn cản, gây khó khăn cho người truy đuổi.

Tâm lí của tội phạm cướp giật rất manh động, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Khi bị truy đuổi, chúng sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo để chống trả. Công cụ phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe máy có tốc độ cao, phân khối lớn đeo biển số giả, che biển hoặc tháo biển; cũng có thể đeo biển số thật, nhưng là của xe khác. Gần như tên cướp nào cũng “găm đồ” (dao, kiếm, công cụ hỗ trợ…) trong người.

Các chuyên gia khuyến cáo để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật mọi người nên chú ý:

Nâng cao sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Khi ra đường không nên phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết.

Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp thường chọn thời điểm này để gây án. Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. Quai túi nên chọn loại to bản, chắc chắn để bọn cướp từ bỏ ý định giằng giật.

Theo thế giới trẻ