Có thật kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?

Giờ tôi không biết phải làm sao với người chồng “hết thuốc chữa” này. Rồi còn cái bụng bầu và đứa con đang học bán trú… Hay tại kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?

Tôi 34 tuổi, lấy chồng từ năm 20, trôi dạt tứ phương không kể xiết. Từ một cô gái miền Trung giờ tôi còn thạo món cà nấu nước dừa, khô cá lóc lá sầu đâu, biết chèo xuồng ba lá ở miền Tây; lên miền Đông thì biết cạo mủ cao su, nhặt hột điều, suốt mùa điều ở tuốt trong vườn chỉ có món cơm trắng với trái điều vắt ráo kho sả ớt.

Tôi cũng từng có hai năm làm người Sài Gòn hoa lệ với việc bán hàng rong trong khi chồng chạy xe ôm. Rồi không kham nổi giá cả đắt đỏ và nạn cá độ, chúng tôi bỏ Sài thành, lên trụ lại xứ sở ngàn thông, làm thuê ở một trang trại rau sạch.


Ảnh minh họa

Tất cả là tại chồng tôi. Bốn mươi rồi, gọi lão thì chưa phải, gọi anh nghe cũng không đúng mấy, nhưng chẳng lẽ gọi thằng? Thôi thì gọi “anh ta” vậy. Chúng tôi lấy nhau chẳng qua chỉ vì hai ông già là bạn nhậu. Nhậu rồi hứa làm sui, tưởng nói khơi khơi vậy thôi, ai dè con gái lớn lên thì gả thật. Không ưng ư? Ông già khăng khăng: “Ngày người ta bước tới, mi không ưng thì đó là ngày giỗ của tao”. Vậy là đành chịu, trả một cục hiếu, cứu một mạng người, đồng nghĩa với chôn đời mình vào huyệt mộ.

Chồng tôi không chỉ nghiện ruợu như cha của anh ta mà còn bài bạc, cá độ. Cưới chưa đầy năm đã tám lần chủ nợ đến nhà kiếm. Tôi bảo, một là thôi nhau, hai là đi xứ khác làm ăn, ở đây với cảnh cơm không đủ ăn mà nợ cứ đòi thì tôi không chịu được. Vậy là dắt díu nhau đi. Về miền Tây đi biển theo lời một người đồng hành trên chuyến xe “tư vấn”.

Đi biển cũng được, vì đó là nghề của chồng tôi. Tôi cũng biết sang cá, bán cá. Cảnh lạ quê xa chắc không nhiều bạn bè để bài bạc, nhậu nhẹt. Ai dè tôi “bé cái lầm”. Người nơi đó rất xông xênh, cứ xong việc là gầy chiếu nhậu, “mồi” thì ê hề quanh ao, quanh vườn.

Tôi bái phục nhất là cảnh chồng nhậu say lăn quay, vợ chống xuồng ba lá tới vác chồng bỏ lên xuồng, nổ máy mang về. Ở đây, chồng tôi “lách” chuyện bài bạc bằng cách chơi hụi, nhưng cứ bảo tôi đưa tiền đóng để “nuôi chót” rồi len lén “hốt đầu”. Mãn kỳ, tôi tính sắm sửa cái này cái nọ cho khỏi cảnh ở đậu, thì chồng gãi đầu gãi tai, ấp a ấp úng… Tôi ở miền Tây lâu nhất, vì đứa con đầu lòng ra đời, nơi này đã cưu mang mẹ con tôi. Nhưng khi quen cảnh, quen người, chồng tôi bắt đầu mượn nợ để bài bạc nên đành lòng ra đi.

Chúng tôi dắt díu nhau lên Bình Phước giữ vườn điều, nhặt hạt điều thuê cũng dư sống nhưng cảnh cũ tái diễn. Tôi không hiểu sao mấy ông nhậu “thảo ăn” tới vậy. Có xị rượu cũng ngoắc vào “làm một ly cái coi” dù đó là người chưa quen. Vậy là lại lên đường. Vào Sài Gòn bát nháo lao xao nhưng ai cũng sống được. Không bà con thân thuộc, không quen biết họ hàng chắc con ma rượu, ma bài không níu áo chồng tôi được nữa. Nhưng rồi con nhỏ đau bệnh, tiền nhà, tiền gas, tiền nước, tiền điện… chỉ trông vào sào hàng hóa tả pí lù của tôi.

Còn chồng? Chạy xe ôm cũng được nhưng chẳng hề đưa về cho mẹ con tôi đồng nào. Khổ sở. Thiếu thốn. Bà chủ nhà trọ thương tình bảo, bà có người em họ ở Lâm Đồng rất cần công nhân phụ vườn rau sạch. Tạng người tôi có lẽ không hợp với phố phường, lên đó giá cả rẻ, rau cải hàng ngày cũng khỏi tốn tiền. Chồng tôi đồng ý đi vì có lẽ háo hức vùng đất mới. Đứa con gái 12 tuổi lại chuyển trường.

Quả thật Lâm Đồng là nơi “đất lành chim đậu”. Người dân ở đây hiền lành và thân thiện. Tôi được nhận ngay vào làm công nhân với lương ba triệu/tháng, được nuôi cơm ngày hai bữa. Con học bán trú. Chồng chê việc trang trại mưa không tới lưng nắng không táp ngực "là việc đàn bà" nên ra chợ Đà Lạt chạy xe ôm “cho biết người biết ta”. Nhưng, chuyện cũ tái diễn. Mới ở được bốn tháng mà anh đã mượn nợ đến 50 triệu đồng.

Tôi biết được là nhờ bà chủ nợ đến tận trang trại tìm, làm dữ, đòi tôi phải ứng lương để trả nợ cho chồng. May mà bà chủ của tôi cũng… “không phải dạng vừa”. Bà hỏi bà chủ nợ cho mượn nợ có giấy tờ không? Trong giấy đó “con nhỏ này” có ký nhận không? Nhờ vậy mà tôi “thoát” và biết nợ anh ta mượn tới hai mươi phần trăm lãi suất/tháng.

Cù cưa cù nhằng cũng mất hai tháng mới truy ra tất cả những món anh ta nợ. Tôi bảo giờ đã cùng đường đi rồi. Nếu anh không tự giải quyết được thì ly hôn. Anh ta hoảng hốt thật sự, vừa năn nỉ van xin, vừa cúc cung mỗi ngày mỗi đi về, đưa tiền chạy xe được cho vợ, lại làm hết việc nhà. Để thu nhập căn bản hơn, anh ta xin làm công nhật ở trại rau từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

Thứ Bảy và Chủ nhật có khách du lịch thì đi chạy xe ôm. Tôi lại một lần nữa tin anh ta và bất ngờ bị “vỡ kế hoạch”, khi phát hiện mình có bầu ba tháng thì cũng là lúc chủ nợ đến “truy sát” anh ta. Lần này là những người đàn ông xăm mình với tờ giấy thế chấp nhà - dù là nhà thuê và 100 triệu tiền mặt anh ta nợ.

Tôi không chịu được nữa, ngã khuỵu bên bàn ăn. May nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Giờ tôi không biết phải làm sao với người chồng “hết thuốc chữa” này. Rồi còn cái bụng bầu và đứa con đang học bán trú… Hay tại kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?

Kim An (Phunuonline)