Đồ chơi cho trẻ nhỏ, đắt tiền vẫn tiềm ẩn vô số nguy hiểm

Phút vui chơi của trẻ nhỏ có thể trở thành tai họa nếu bố mẹ không cẩn thận trong việc lựa chọn đồ chơi cho con.

Con suýt hỏng cả mắt vì đồ chơi 

Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua về cho con những món đồ chơi đặc biệt. Tuy nhiên, ngay cả đồ chơi đắt tiền vẫn có thể gây nguy hại cho trẻ nếu bố mẹ không chọn được loại an toàn cũng như phù hợp với độ tuổi của con.

Cháu Việt Sơn (3 tuổi – Hà Đông – Hà Nội) có sở thích đặc biệt với những món đồ cơ khí. Tất cả mọi thứ cháu đều rất nhanh chán nhưng chỉ duy bộ đồ cơ khí là cháu có thể chơi mê mệt suốt ngày. Mẹ cháu – chị Thu Hà kể: “Thấy con rất tò mò với những món đồ cơ khí nên tôi đã tìm mua cho con 1 bộ bằng nhựa, cũng đủ cả cờ lê, mỏ lết, tuốc nơ vít, búa, kìm… như thật, trị giá hơn 500 nghìn đồng. Tôi cứ nghĩ đồ bằng nhựa thì an toàn nào ngờ suýt nữa con tôi hỏng cả mắt”. 

do-choi-cho-tre-nho-dat-tien-van-tiem-an-vo-so-nguy-hiem
Ảnh minh họa

Vì chiều theo sở thích của con mà chị Hà đã mua về món đồ chơi cơ khí đó. Chị nghĩ, những thứ này là thật mới sợ nguy hiểm chứ là nhựa thì không sợ. Thế nên chị cũng không kiểm soát chặt chẽ những lúc con chơi, để rồi 1 lần sơ sảy, con chị đang chạy thì bị ngã khi đang cầm chiếc tuốc nơ vít nhựa đó. Chỉ chút xíu nữa là chiếc tuốc nơ vít đâm vào mắt bé Sơn. May mà lần đó con chị Hà mới bị sượt qua sống mũi. Cả nhà được một phen hú vía.

Từ đó, chị Hà tịch thu luôn món đồ cơ khí đó của con để khi nào con chừng 5, 6 tuổi mới cho chơi. Do không tìm hiểu kỹ độ tuổi phù hợp để chơi được món đồ cơ khí đó nên chị đã mua về cho con chơi khi chưa đủ tuổi mà nhà sản xuất khuyến cáo. Chính vì thế mới xảy ra tai nạn nguy hiểm này.

Hiện nay, còn rất nhiều các loại đồ chơi bạo lực như các loại súng bắn laser, kiếm, đao… có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con nhưng vẫn được phụ huynh tìm mua. Hơn nữa, nó còn gây ra nhiều tác hại tới sức khỏe khác.

Chắc ít bậc phụ huynh nghĩ rằng, ánh đèn laser phát sáng ở những khẩu súng đắt tiền lại là tác nhân làm hỏng điểm vàng ở mắt trẻ. Chính vì sự thiếu hiểu biết ấy mà con trai anh Mạnh Hùng (35 tuổi) đã bị suy giảm thị lực đáng kể. Anh kể: “Hôm tôi cho cháu đi công viên, thấy súng bắn laser đó cháu cứ đòi ngằn ngặt, tôi chiều theo và mua cho con. Nhân tiện lại còn mua luôn 2 khẩu súng cho cả đứa bé nữa”. Về nhà, anh cứ để con chơi trò bắn nhau cả ngày. Sau 1 thời gian thì anh thấy mắt con trai lớn cứ nheo lại mỗi khi muốn nhìn vật gì ở xa. Cho con đi khám thì bé đã bị loạn thị. 

do-choi-cho-tre-nho-dat-tien-van-tiem-an-vo-so-nguy-hiem
Ảnh minh họa

Trên thực tế, súng có gắn tia đèn điện laser sẽ tác động trực tiếp vào đôi mắt non nớt của trẻ, từ đó làm ảnh hưởng đến điểm vàng trong mắt trẻ. Dần dần, nếu cho trẻ tiếp xúc lâu với thứ đèn đó sẽ làm cho mắt trẻ ngày một mờ đi và kéo theo hàng loạt các bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị….

Mẹ lơ là, chủ quan, con bị nhiễm độc chì từ pin

Trên thị trường hiện nay có bày bán rất nhiều những bộ đồ chơi được coi là “sành điệu”, được các bé ưa thích như những chiếc ô tô, tàu hỏa… đẹp mắt và như thật. Cha mẹ chỉ biết mua đồ về cho con chơi nhưng không hề biết những cạnh sắc nhọn của khối kim loại kia lại dễ dàng làm trẻ bị thương. Chưa kể những món đồ chơi có dùng pin nếu không cẩn thận sẽ khiến trẻ bị nhiễm chì.

Chị Thanh Vân (nhân viên kế toán tại một công ty du lịch) kể: “Tuần trước, tôi mua cho con trai gần 3 tuổi bộ đồ chơi tàu hỏa chạy bằng pin đẹp lắm. Tưởng mua cho con được món đồ chơi tốt nào ngờ, con tôi bị nhiễm độc chì”. 

do-choi-cho-tre-nho-dat-tien-van-tiem-an-vo-so-nguy-hiem
Ảnh minh họa 

Chị Vân kể, trong 1 lần để con ở nhà ngoài chơi tàu hỏa rồi vào bếp nấu cơm, do chủ quan nên chị đã không để ý tới con, khi trở ra đã thấy con đang ngậm viên pin vào miệng từ lúc nào chẳng hay. Dù chị đã lấy viên pin ra nhưng đến buổi chiều, chị thấy quanh miệng của con ửng đỏ, khó chịu rồi nôn trớ. Chị tưởng con bị cảm nên đã vội vã cho tới viện.

Đến viện, chị Vân mới biết con trai bị như vậy là do nhiễm độc chì từ cục pin trong đoàn tàu chị mua kia. Từ ngày đó, chị không mua đồ chơi có gắn động cơ chạy bằng pin nữa mà chuyển sang một loạt đồ chơi dây cót đơn thuần, để phòng ngừa tai nạn. 

Cách phòng tránh các nguy cơ từ đồ chơi của trẻ

Đầu tiên, bạn cần tìm địa chỉ mua đảm bảo uy tín, chất lượng và an toàn cho trẻ. Tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi trên thị trường. 

Chọn những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, an toàn cho con. Đối với những trẻ 2 – 3 tuổi không nên mua những món đồ có nhiều chi tiết nhỏ để tránh việc trẻ nhét vào miệng ngậm, gây nguy cơ nghẹn, hóc dị vật. 

Lưu ý, bạn không nên mua những món đồ có dây dài phòng tránh trường hợp dây đó bị cuốn vào người trẻ gây nguy hiểm. 
Hạn chế mua các đồ chơi sắc nhọn, màu sắc sặc sỡ để giảm nguy cơ bị nhiễm độc chì. 

Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ để đảm bảo sức khỏe.

Khi thấy có bất kì dấu hiệu nào bất thường, bạn cần cho trẻ đi khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời. 

Theo Hạnh Vân (em đẹp)