Facebook "mùa báo hiếu"

Dẫu gì, đó cũng chỉ là lời nói và những dòng status. Và tôi chợt nhớ đến câu thơ lục bát đầy chua xót: "Mẹ già không ở trên "phây" / Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì".

Nhớ mùa Vu Lan năm ngoái…

Gia đình nhà vợ ông giám đốc tôi từng làm có 3 người con - 2 gái, một trai. Vì làm việc ở nhà riêng của ông nên chuyện gia đình ông thế nào, gia đình đằng nhà vợ ông ra sao tôi đều chứng kiến.

Thi thoảng, dù chẳng muốn, tôi lại được nghe những lời cãi cọ, thậm chí chửi bới, và nặng hơn nữa là… những trận “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” giữa một vài thành viên trong gia đình họ.

Tôi có facebook của ông giám đốc, facebook của mấy người em vợ của ông, nên thông tin của họ tôi đều cập nhật.

Facebook
Mẹ già không ở trên "phây" / Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì!

 

Đến dịp Vu Lan, họ đăng ảnh đi chùa cùng lời chúc ông bà, bố mẹ mạnh khỏe, “sống đời với con”. Sau đó, đến đúng ngày rằm tháng Bảy, khi khắp các trang facebook cá nhân tràn ngập những hình ảnh, lời chúc thể hiện sự hiếu hạnh của con cái đối với đấng sinh thành, tôi cũng được đọc những dòng status của họ. Và tôi ngạc nhiên…

Chỉ hai ngày trước thôi, người con gái chửi bố mẹ những câu mà tôi không thể nào chấp nhận và tưởng tượng nổi nó lại được phát ra từ miệng người con từng được bà mẹ chín tháng mang nặng đẻ đau, cưng nựng.

Chỉ vài tuần trước thôi, bà mẹ đau bụng phải đi cấp cứu. Giữa đêm, anh con út gọi chị gái dậy đưa mẹ đi. Chị bảo: “Đi đi, chị mệt, đang buồn ngủ. Sáng chị qua!”.

Chỉ vài tháng trước thôi, bà mẹ bị ngã, vì xô đẩy với người con gái, phải nằm bẹp ở giường. Tuyệt nhiên người con gái không hề qua ở với mẹ (dù nhà chỉ cách nhau một cái sân), giúp mẹ việc vệ sinh hàng ngày.

Mùa Vu Lan năm nay lại đang đến. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy người người nô nức chuẩn bị cho dịp Đại lễ báo hiếu, tri ân đấng sinh thành.

Tôi nhớ đến không khí rộn ràng trên facebook... Và tôi chợt nhớ đến câu thơ lục bát đầy chua xót: “Mẹ già không ở trên “phây” / Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì”.

Dẫu biết rằng facebook là nơi để nhiều người chia sẻ tình cảm, cuộc sống cá nhân của mình, và những ngày lễ này cũng không phải dịp ngoại lệ. Dẫu biết rằng cách mỗi người thể hiện, hay "báo hiếu" như thế nào đó là quyền của họ và không nên áp đặt.

Thế nhưng, nếu ngôn từ trên facebook chỉ là "chém bão", là sáo rỗng, nó trái ngược hẳn với những gì mọi người làm hàng ngày thì phỏng có ích gì?

Vậy thì, phải chăng thay vì những lời "có cánh" trên facebook, hãy dành cho cha mẹ, cho những người thân yêu của mình tình yêu, sự quan tâm bằng hành động cụ thể hàng ngày?

Theo Nhật Minh Skcd/Tintuc