Gạo Thái dần thay thế gạo Việt tại thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc liên tiếp giảm trong những năm gần đây và được thay thế bởi gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan...

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2015, cả nước xuất khẩu 461 nghìn tấn gạo, giảm 23,8%, trị giá 205 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8/2015, lượng xuất khẩu gạo là hơn 4 triệu tấn, giảm 9,7% và trị giá đạt 1,74 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,51 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang Philippine giảm mạnh 41% về lượng, đạt 612 nghìn tấn; tiếp theo là thị trường Malaysia ước đạt 371 nghìn tấn, tăng 35,8%; thị trường Ghana ước đạt 250 nghìn tấn, tăng 21,8%; thị trường Cu Ba ước đạt 287 nghìn tấn, tăng 18% so với 8 tháng/2014.

Báo cáo tại cuộc họp mới đây liên quan đến thương mại nông nghiệp trong biến động của kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên, (Bộ môn Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, thị phần gạo xuất khẩu vào Trung Quốc bắt đầu suy giảm trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2012-2013, Việt Nam chiếm 66% thị phần gạo nhập khẩu vào Trung Quốc, năm 2014 giảm xuống còn 53%, đến 4 tháng đầu năm 2015 chỉ chiếm 47% thị phần. Sản lượng còn lại được thay thế bằng gạo Thái Lan, gạo Campuchia. Năm 2015, gạo Thái Lan chiêm 28% thị phần gạo nhập khẩu vào Trung Quốc, Pakistan chiếm 13%, Campuchia 11%.

Tháng 8/2015, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT 4,6% đã làm suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với mặt hàng gạo xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan phá giá.

Ông Kiện nhận định, trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá do tồn kho gạo Trung Quốc tăng, duy trì ở mức cao. Đồng thời, gạo tồn kho từ các thị trường Thái Lan, Ấn Độ vẫn còn lớn. Trong khi đó, áp lực từ phía các đồng Bath của Thái Lan và Rupee của Ấn Độ lần lượt giảm 7,5% và 5% so với đầu năm 2014.

IMF dự báo giá gạo bình quân năm 2016 giảm 13% so với năm 2015. Trong khi đó, World Bank cũng dự báo giá gạo tiếp tục xu hướng giảm 2-3% trong hai năm 2016-2017, và đến năm 2020 sẽ giảm mạnh 7% so với năm 2015.

Theo ông Kiên, giải pháp để thúc đẩy gạo xuất khẩu trong thời gian tới, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần nối kết nhanh chóng để có được các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như thị trường UAE, Mỹ, Malaysia, Bờ Biển Ngà...

"Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu lúa, tăng diện tích lúa chất lượng cao, giảm diện tích lúa chất lượng thấp", ông Kiên nhấn mạnh.

Theo Kiều Linh (Vinanet)