Giá rau xanh tăng gấp đôi: Nông dân lỗ, người tiêu dùng thiệt

Nắng nóng trở lại, nhưng giá thực phẩm tươi sống, rau xanh vẫn giữ ở mức cao. Các tiểu thương lý giải việc tăng giá là do mưa kéo dài rau bị thối, dập nát.

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, trên thị trường giá các loại thực phẩm tươi sống đã được điều chỉnh tăng nhẹ.

Chẳng hạn: giá các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chuối, cá chép… đều có mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg; giá cá biển, tôm, cua, ghẹ, hầu, sò huyết có mức tăng cao hơn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg trong những ngày mưa bão và sau đó vài ngày.

Đến thời điểm hiện tại giá các loại hải sản biển đã được điều chỉnh giảm xuống nhưng vẫn cao hơn bình thường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Giá rau xanh tăng gấp đôi: Nông dân lỗ, người tiêu dùng thiệt

Giá rau xanh trên thị trường vẫn giữ giá cao gấp đôi ngày bình thường

Các loại thịt gà, thịt lợn, thịt bò, các loại trứng… được tiêu thụ khá nhiều trong đợt mưa lũ do nhiều gia đình mua tích trữ phòng mưa bão. Tuy nhiên, giá các loại thịt này vẫn khá ổn định.

Chị Nguyễn Thị Bình, Chủ cửa hàng bán thịt tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: “Giá thịt vẫn ổn định ngay cả những hôm có mưa lớn dù nhiều người mua số lượng thịt nhiều hơn để phòng bão. Hiện tại chợ thịt thăn bò vẫn có giá từ 250.000 – 270.000 đồng/kg; thịt lợn sấn các loại vẫn từ 80.000 – 85.000 đồng/kg; thịt gà ta từ 120.000 – 130.000 đồng/kg…”.

Theo lý giải của chị Bình thì các loại thịt không tăng giá là do giá nhập sỉ vẫn ổn định. Các tiểu thương vẫn đi chợ khá đều trong những ngày mưa lũ vừa qua nên không xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.

Tuy nhiên, giá rau xanh có biến động khá lớn, dù thời tiết đã nắng ráo trở lại, giá rau xanh vẫn giữ ở mức cao gấp đôi bình thường: rau ngót 7.000 đồng/bó thay vì 4.000 đồng/bó như trước đây; rau cải, rau mồng tơi, rau dền đều có giá 6.000 đồng/bó trước đó đều ở mức 3.000 đồng/bó; rau muống là loại rau ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão nhất cũng có giá cao gấp đôi 6.000 đồng/bó thay vì 3.000 –  4.000 đồng/bó như cách đây 10 ngày.

Chị Nguyễn Thị Lý, Chủ cửa hàng bán rau chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội giải thích, giá rau xanh tăng mạnh là do mưa bão lá rau bị dập úng, chậm phát triển hơn bình thường khiến nguồn cung không dồi dào như trước.

“Rau chủ yếu bán cho khách quen, giá lại tăng gần gấp đôi, khách nào cũng kêu, ngại lắm nhưng nhập cao buộc phải bán tăng. Trời nắng trở lại nhưng những loại rau đến kỳ thu hoạch năng suất giảm mạnh do lá bị thối, gẫy nhiều, buộc người trồng phải bán tăng giá để bù lỗ”.

Giá tăng người tiêu dùng thiệt, nông dân không được lợi

Theo chị Nguyễn Thị Lý thì giá rau sẽ còn cao trong khoảng nửa tháng nữa mới trở lại bình thường. Vì sau thời gian này mới thu hoạch được rau lứa mới. Tuy nhiên, trong nửa tháng tới nếu tiếp tục mưa bão thì không thể biết trước được giá rau xanh sẽ diễn tiến thế nào.

Ông Triệu Văn Bình, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội cho rằng: “Hiện tại đúng là chúng tôi đang cất sỉ rau với giá cao hơn trước nhưng không cao đến mức giá bán lẻ cao gần gấp đôi. Hiện tại, giá cất sỉ các loại rau chỉ tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. T

rong khi ngoài chợ đã tăng 2.000 – 3.000 đồng/bó. Một ki-lô-gam rau được 3 bó như vậy thì chúng tôi tăng 1 thị trường đã tăng gấp 2 gấp 3 là quá bất công với người trồng và người tiêu dùng. Vì với mức tăng khiêm tốn tại vườn để bù thiệt hại chúng tôi còn bị lỗ đối với một số loại rau bị thối nhiều như rau cải”.

“Người nông dân tăng giá nhưng không tăng được lợi nhuận vì mức tăng chỉ đủ bù lỗ cho phần rau bị hư hại. Trong khi ngoài chợ người buôn rau lại được lợi nhiều nhất vì được tăng giá theo ý muốn, chẳng khác nào chuyện “Cốc mò cò xơi””, ông Triệu Văn Bình bức xúc.

“Phải mua rau xanh đắt nhưng lại không sử dụng được nhiều như thời điểm bình thường. Do rau đắt, người bó rau độn cả lá úa, lá xấu vào bên trong che mắt người mua. Lúc về mở dây ra mới thấy, rất khó chịu vì phải nhặt bỏ đi rất nhiều”, bà Lê Thị Thu, phố Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ.

Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cũng dự báo, trong tháng 8, một số mặt hàng như xăng dầu thành phẩm, gas, gạo xuất khẩu giảm giá, có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời tiết lại vào cao điểm mùa mưa bão nên thực phẩm tươi, nhất là rau xanh có thể sẽ giữ giá ở mức cao cục bộ tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Như vậy, cùng là việc điều chỉnh giá rau xanh nhưng tại thời điểm này lại xuất phát từ hai động cơ hoàn toàn khác nhau. Người nông dân tăng giá rau là để bù lỗ cho phần rau bị hư hỏng do mưa lũ. Còn tiểu thương “mạnh tay” tăng giá là vin cớ mưa lũ để trục lợi, thiệt hại cuối cùng lại là người tiêu dùng phải chịu. Đến bao giờ sự nghịch lý, bất công này mới được giải quyết?

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, giá rau xanh vẫn thường cao vào những dịp thị trường, thời tiết có biến động, nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay. Do năng suất nông sản phụ thuộc vào thời tiết, thời tiết thuận hòa thì giá rau rẻ như cho. Thời tiết không ủng hộ buộc người dân phải tăng giá cao hơn để bù lỗ. Điều đáng nói ở đây là giá cất sỉ tại vườn tăng 1 thì thị trường tăng 2 mà đến thời điểm hiện tại chưa có cách giải quyết vấn đề này nên người tiêu dùng vẫn thiệt.

Theo GDXH/NTD