Khi Microsoft 'đem con bỏ chợ'

Microsoft tỏ ra không còn quá mặn mà với Windows Phone trong khi người dùng đang mất dần tính kiên nhẫn và thiếu niềm tin vào nền tảng này.

Những người yêu mến Microsoft đã phải chờ đợi tới 18 tháng để chứng kiến bộ đôi sản phẩm cao cấp Lumia 950 và Lumia 950XL ra mắt. Nhưng chỉ hơn một tháng sau khi xuất hiện, cả hai gần như bị lãng quên. Đơn giản bởi người dùng không ấn tượng bất cứ điều gì, ngoại trừ sự thổi phồng quá mức của Microsoft.

Khi Microsoft đem con bỏ chợ
Liệu Microsoft không còn mặn mà với Windows Phone?

Đó cũng có thể được coi là thành công. Bởi giá trị bộ đôi Lumia mang lại chưa xứng tầm với những mỹ từ mà chúng nhận được. Dễ nhận thấy, Microsoft không mặn mà với điện thoại và với người dùng từng mua sản phẩm của hãng.

Windows Phone thổi luồng gió mới cho sự quay lại vào năm 2011, nhưng nhanh chóng hụt hơi trước hai ông lớn Android và iOS. Ứng dụng nghèo nàn, vắng bóng những tính năng nổi bật, thiếu tính thống nhất và chỉ gói gọn trong dòng Lumia chính là nguyên nhân khiến nền tảng này sống vật vờ đến hôm nay.

Lumia 950 không mang tới điều gì nổi bật, ngoại trừ những lời quảng cáo ầm ĩ. Lễ ra mắt model trở nên sáo rỗng bởi ngôn từ cũ rích của Panos Panay.

Nhìn sang màn giới thiệu Galaxy và iPhone, cả Samsung lẫn Apple đều mang tới bữa tiệc đầy khiêu gợi, đủ sức kích thích trí tò mò của những người khó tính nhất. Trong khi đó, Microsoft vẫn luyên thuyên về cụm camera đã được tung hô từ gần nửa thập kỷ qua. Nhưng yếu kém về mặt diễn thuyết chỉ là phần nhỏ trong toàn bộ vấn đề của hãng với Windows Phone.

Những sai lầm liên tiếp

Kể từ lần ra mắt đầu tiên năm 2010, Windows Phone vẫn gặp những lỗi mang tính hệ thống suốt 5 năm qua. Thiếu hỗ trợ từ nhà sản xuất, hạn chế với thiết bị cũ và người dùng phải đợi dài cổ để sở hữu tính năng cơ bản như kéo thanh thông báo.

Khi Microsoft đem con bỏ chợ
Lumia 950 chưa đủ sức thuyết phục.

Chợ ứng dụng của Microsoft đã “rôm rả” hơn, nhưng vẫn thiếu vắng những tên tuổi lớn. Và thật khó chấp nhận khi không có bất kỳ ứng dụng chính chủ nào của Google. Nhiều tính năng đã trở nên quen thuộc trên iOS và Android cũng mất hút. Liệu như vậy có đủ để thuyết phục người dùng từ bỏ hai nền tảng của Google và Apple để kết duyên với Windows Phone?

Chưa hết, vấn đề không kém phần nghiêm trọng là việc thường xuyên bỏ rơi người dùng. Nếu sở hữu một chiếc điện thoại Windows Phone, bạn sẽ hiểu cảm giác bỗng một ngày đẹp trời, Microsoft có thể thay đổi quan điểm, chính sách và bắt đầu xây dựng lại hệ điều hành của mình.

Năm 2010, Windows Phone xuất hiện để thay thế hoàn toàn Windows Mobile. Sau đó, Windows Phone 8 thậm chí không hỗ trợ các thiết bị chạy Windows Phone 7. Dù Microsoft khẳng định kế hoạch dài hơi và thống nhất về Windows 10, nhưng thật tồi tệ nếu một ngày, hãng bỏ hẳn dòng Lumia để theo đuổi Surface Phone của riêng mình.

Trong tháng 7, công ty thiệt hại 7,6 tỷ USD do gánh nặng từ bộ phận thiết bị của Nokia để lại, đồng thời tiến hành sa thải 7.800 nhân viên, đa phần từ mảng điện thoại. Trước đó, đã có 12.500 nhân viên Nokia bị mất việc vào năm 2014.

Liệu đó có phải là bằng chứng cho thấy, Microsoft không chú trọng vào xây dựng hình ảnh thân thiện với người dùng, một hệ sinh thái di động giàu bản sắc? Bởi vì họ đã loại bỏ những con người đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên điều đó.

Thà mua một chiếc BlackBerry hơn điện thoại Windows Phone

Nếu một vài năm trước đây, các chuyên gia đưa ra lời khuyên khuyên không nên mua điện thoại BlackBerry thì với việc ra mắt Priv chạy Android hỗ trợ bàn phím và có thể truy cập Google Play, người dùng nên nghĩ lại. Đặc biệt khi so sánh với smartphone của Microsoft.

Gã khổng lồ xứ Redmond không còn mặn mà với điện thoại nữa. Hãng ra mắt Lumia 950 và 950 XL một cách mờ nhạt. Trong khi đó, người dùng có thể phải đợi đến tháng 12, thậm chí kéo dài tới đầu 2016 mới nhận được bản cập nhật Windows 10, tức một năm sau ngày công bố chính thức.

Kể từ khi tiếp quản mảng thiết bị của Nokia, Microsoft cũng chỉ ra mắt cầm chừng các dòng máy cấp thấp. Đến như bộ đôi cao cấp nhất cũng không nhận được sự đầu tư đúng mức. Mua Lumia 950 hoặc 950XL bây giờ chẳng khác gì một canh bạc.

BlackBerry từng bị “ghẻ lạnh” nhưng giờ đây với việc ra mắt mẫu điện thoại đầu tiên chạy Android, hãng đang cho thấy sự thay đổi. Dâu đen biết lắng nghe người dùng hơn và dám thay đổi. Hãng cũng chuẩn bị cho ra mắt chiếc BlackBerry thứ hai hoạt động trên nền tảng Android có tên mã Vienna.

Điện thoại Windows Phone ít có sự tham gia của các nhà sản xuất phần cứng. Kho ứng dụng lép vế hoàn toàn với Google Play và App Store, trong khi hệ điều hành Windows sẵn sàng làm một cuộc “cách tân” bất kỳ lúc nào Microsoft “nổi hứng”.

Sự chuyển hướng của Microsoft?

Kể từ khi Satya Nadella lên nắm quyền CEO, gã khổng lồ phần cứng đã bắt đầu có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh. Windows 10, máy tính bảng Surface hay smartphone không còn là trọng tâm của hãng.

Khi Microsoft đem con bỏ chợ
Ứng dụng đa nền tảng và điện toán đám mây là cách tiếp cận mới của Microsoft với người dùng?

Thay vào đó, Microsoft thâu tóm và tạo ra nhiều ứng dụng hơn trên kho ứng dụng Google Play và App Store. Cục diện phần cứng có lẽ đã thay đổi, Microsoft biết đâu là điểm mạnh cũng như hạn chế của mình. Hoặc hơn cả, hãng chọn giải pháp an toàn để bảo vệ mình.

Theo Minh Minh (zing)