Ngành cà phê Việt Nam lao đao vì giá

Có tin đồn rằng cà phê tồn kho của Việt Nam quá lớn đã ảnh hưởng đến giá của sản phẩm này (lượng tồn kho vào khoảng 300.000 tấn).

Giá cà phê giảm mạnh

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê trong nước giảm liên tục từ đầu năm, trái với quy luật hàng năm. Cụ thể, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đạt giá cao nhất ở ngưỡng 40.000 - 41.000 đồng/kg vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 sau đó giảm dần chỉ còn 35.000 đồng/kg tính tại ngày 30/11.

Ngành cà phê Việt Nam lao đao vì giá
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

 Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết, quan trọng hơn do thời tiết thay đổi, mưa đến sớm khi thu hoạch và thời kỳ cà phê phát triển gặp hạn hán nên nhiều vùng không đủ nước tưới đã bị mất trắng. Song song với đó, ngày công lao động và giá phân bón lên cao, người trồng cà phê giảm lượng phân chăm sóc, nên sản lượng không được như kỳ vọng, từ đó dẫn đến chất lượng cà phê giảm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, nhấn mạnh thị trường nước ngoài đang đưa tin đồn rằng cà phê tồn kho của Việt Nam quá lớn làm ảnh hưởng đến giá cả (lượng tồn kho vào khoảng 300.000 tấn).

Đáng chú ý, diện tích cây cà phê đang dần bị thay đổi bằng các giống cây trồng khác và niên vụ 2014-2015 ước chỉ có khoảng 60% diện tích trồng cà phê đủ nước tưới. Thêm vào đó là một diện tích lớn cà phê già cỗi chưa được tái canh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, sản lượng cà phê, từ đó khiến giá cà phê xuất khẩu giảm.

Từ những khó khăn của niên vụ 2014-2015, dự báo niên vụ 2015-2016, sản lượng cà phê sẽ tiếp tục sụt giảm. Bởi lẽ, các tỉnh Tây Nguyên phải đối mặt với hạn hán, nguồn nước bị thiếu nghiêm trọng, một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa thấp hơn 10-30% so với các năm trước.

Giải pháp cho ngành cà phê Việt

Tại Diễn đàn Đối thoại và Triển vọng ngành cà phê Việt Nam, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết hiện tại cả nước mới tái canh được 61.000 ha cà phê và trong thời gian tới cần tái canh thêm 120.000 ha.

Theo Cục Trồng trọt, vấn đề lớn nhất của tái canh cà phê là vốn và kỹ thuật. Hiện nay, Cục Trồng trọt đã ban hành kỹ thuật và những giống cà phê có năng suất cao, thích hợp cho tái canh; vì thế, vấn đề nan giải nhất chỉ còn là nguồn vốn.

Ban Điều phối Ngành hàng Cà phê Việt Nam cũng cho rằng việc rà soát kế hoạch tái canh cà phê là cần thiết bởi hiện nay diện tích cà phê cằn cỗi đang tăng dần bắt buộc phải tái canh. Theo Ban Điều phối, cần thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê ở các cấp tỉnh, huyện, xã để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê. Bên cạnh đó, tập huấn kỹ thuật cho người dân xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn người sản xuất cần chuẩn bị đầy đủ vật tư đầu vào để tái canh cà phê. Đồng thời, đảm bảo được nguồn nước, chất lượng giống cà phê cho tái canh.

Ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho rằng việc không tái canh được cà phê không phải là do không giải ngân được vốn mà là do ở khâu tổ chức quá trình tái canh cà phê. Ông lý giải rằng, sau khi tái canh phải mất 5 năm mới có thu nhập lại nên nông dân không muốn tái canh. Mặt khác, trước đó, người dân đã thế chấp tài sản để có vốn chăm sóc cà phê nên không thể dùng tài sản để thế chấp lần nữa. Hiện tại đất trồng cà phê là đất nông nghiệp có giá trị thấp nên rất khó để vay tiền.

Ngành cà phê Việt Nam lao đao vì giá
Giá cà phê trong nước giảm liên tục trong năm 2015. (Nguồn: AGROINFO)

 Đối với số tiền vay tái canh cà phê, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức vay cho một ha cà phê tái canh là 150 triệu đồng và 100 triệu đồng cho một ha cà phê ghép. Ông Chân cho rằng, mức vay này không đáp ứng được nhu cầu của nông dân, nên đây cũng là một lý do người dân ngại vay tiền. Vì thế, Agribank sẽ kiến nghị nâng số tiền vay tái canh lên 200 triệu đồng/ha và 150 triệu đồng/ha cà phê ghép.

Còn ông Ted van der Put, Tổng Giám đốc Chương trình Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH, thì cho rằng ông chủ các trang trại cà phê cần liên kết trong lao động, đặc biệt là thanh thiếu niên trong việc canh tác cà phê. Đồng thời, họ cũng cần củng cố kiến thức về tài chính và tiếp cận tài chính để có nguồn đầu tư lớn vào ngành hàng mình đang hoạt động; tham gia những quy trình chuẩn quốc tế về sản xuất và tập trung năng lực cho nông dân thích ứng với biển đổi khí hậu cũng như các phương pháp đo lường tác động môi trường trong sản xuất cà phê.

Theo Ánh Hoa(NTD)