Người dân Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm ăn cơm bụi không lo... bẩn, độc

Nếu là người thường xuyên phải giáp mặt với những quán cơm bụi thì bạn không nên bỏ qua những "bí kíp" đặc biệt này.

Những quán cơm bụi từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc của người Việt. Tuy nhiên, những quán ăn này đang dần trở thành nỗi "ám ảnh" của nhiều người bởi sự không đảm bảo an toàn vệ sinh về mọi mặt.

Trên thực tế, đã có quá nhiều quán ăn bị vạch mặt vì quá mất vệ sinh hay lấy thực phẩm bẩn, độc, nguồn gốc không rõ ràng về chế biến món ăn cho khách. Dù rất nhiều quán hàng đã bị phạt, thậm chí là đình chỉ hoạt động nhưng trước nhu cầu thực tế hiện nay những quán cơm bụi tương tự vẫn mọc lên như nấm.

Dẫu vậy, nhiều người vẫn không còn sự lựa chọn nào khác để tránh mặt được những quán cơm bụi này. "Làm thế nào để ăn cơm bụi được sạch sẽ nhất?", vẫn luôn là câu hỏi và cũng chính là nỗi lo hàng ngàn người đặt ra.

Anh Nguyễn Văn Hồng (39 tuổi, Quận 1, TP.HCM) cho biết: "Làm nhân viên văn phòng như tôi, lương 3 cọc 3 đồng thì cũng chỉ dám ăn cơm bụi thôi, tiền đâu mà dám vào các cửa hàng sang. Từ ngày còn là sinh viên đến nay, tôi đã đi ăn không biết bao nhiêu là quán cơm bụi ở các đất Sài Gòn này rồi, nhiều lần, phải bỏ dở bữa ăn vì tận mắt chứng kiến sự bẩn thỉu, mất vệ sinh của quán.

Những rổ bát đũa khách ăn xong được thu dọn và mang ngay ra ngoài hè rửa. Mặc những ánh nhìn của khách, người ta vẫn làm thao thao bất tuyệt. Những chiếc bát vừa được nhúng vào chậu dầu lênh láng, ngay tức khắc được ném sang một chậu nước đục ngàu bên cạnh, thế là người ta vớt ra, bất cần xem nó đã còn sạch hay bẩn. Và y như rằng, khi cầm chiếc bát lên vẫn ngửi thấy sực mùi dầu rửa bát, thực đáng sợ.

Cũng chính vì quá nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng như thế mà bây giờ mỗi lần đi ăn, tôi đều phải thủ theo một túi giấy ướt và công việc đầu tiên khi ngồi xuống bàn ăn là hì hục lau chùi bát đữa cho thật sạch. Hơn thế, bát canh nóng để ăn kèm cơm, tôi thường không dùng để uống mà dùng để tráng bát đũa. Thay vào đó, tôi mang theo một chai nước sạch từ nhà đi, uống cho trôi cơm".

Người dân Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm ăn cơm bụi không lo... bẩn, độc

Khi đi ăn cơm bụi nên chọn những món đơn giản như đậu rán, rau củ luộc, thịt luộc... để giảm nguy cơ bị ăn đồ bẩn độc.

Cùng chia sẻ về kinh nghiệm ăn cơm bụi của mình, chị Đỗ Minh Châu (45 tuổi, Lê Lai, Quận 1, TP.HCM) cho biết: "Theo tôi thấy, vào hàng ăn, cái bẩn nhất là chiếc đũa, hàng bao nhiêu người ăn chung mà người ra rửa lại không sạch, nhất là những chiếc đũa gỗ. Nhiều lần đi ăn, tôi để ý thấy, đầu đũa vẫn còn nguyên lớp bợn cơm trắng dính vào, đầu đũa nhớt nhèo.

Chính vì vậy mà khi đi ăn cơm bụi, tôi thường ăn ngược đầu đũa, vì đơn giản, đầu đũa nhỏ hơn là đầu người khác thường ăn. Việc tráo đầu đũa khi ăn sẽ giảm thiểu được sự mất vệ sinh nhất. Thú thực là đôi khi vào quán ăn, tôi thường bị người khác nhìn bằng ánh mắt kì lạ kiểu: "mụ này to đầu rồi mà ăn cơm cũng không biết tráo đầu đũa" hay "cắm đầu vào ăn rồi cái đầu đũa cũng không biết đường mà tráo đi". Nhưng tôi vẫn mặc kệ người ta nghĩ gì, tôi vẫn ăn theo cách của tôi thôi".

Chị Lê Hồng Hạnh (25 tuổi, Phường Bến Thành. Quận 1, TP.HCM) thì cho biết: "Ngày trước, thời còn sinh viên, tôi còn lạ gì cái bẩn thỉu của mấy quán cơm bụi nữa. Từ việc rửa bát thuê đến bưng bê, tôi từng trải qua hết, thực sự là rất bẩn, bẩn từng công đoạn.

Đến giờ, nhiều khi, những lúc "bất đắc dĩ", tôi vẫn phải bước vào những quán cơm bụi ăn cho qua bữa. Biết thóp được họ thường rửa bát rất bẩn, vì thế việc làm đầu tiên của tôi sẽ là xin một chút nước sôi để tráng lại bát. Dẫu biết là họ rất khó chịu khi mình xin như vậy nhưng tôi mặc kệ, cứ "trơ mặt" mà xin thôi, thế mới có bát sạch mà ăn chứ.

Tiếp theo là đến công đoạn chọn đồ ăn. Theo kinh nghiệm của tôi, khi đi ăn quán nên chọn những món đơn giản, ít qua tẩm ướp nhiều, những món càng nhiều nguyên liệu, nguy cơ bẩn độc càng cao, bị làm ẩu. Tôi chẳng bao giờ chọn mấy món như nem, lòng lợn, lòng bò hay mấy món cá biển đông lạnh... đấy là những món dễ bị làm ẩu, ôi thối nhất".

Còn anh Phạm Văn Tiến (đường Tôn Thất Tùng, Quận 1) thì cho hay: "Tôi đi làm xa nhà nên ngày nào cũng phải ăn cơm trưa ngoài quán, biết là nó chẳng sạch sẽ gì nhưng vẫn phải khuất mắt trông qua mà ăn.

Nhưng vì chứng kiến quá nhiều cảnh người ta làm ăn bẩn thỉu, tôi cũng đâm sợ. Nói ra thì chẳng ai tin chứ lúc nào trong túi của tôi mà chẳng có đôi đũa và chiếc bát mang từ nhà đi. Mới đầu vào quán ăn cũng ngại ngại vì sợ người ta bảo mình kì dị nên cứ phải lén lút mang bát ra rồi lại lén lút cất bát vào như kẻ ăn trộm vậy nhưng giờ thì chẳng ngại ngùng gì nữa, tôi có thì tôi dùng, chẳng ảnh hưởng đến ai cả.

Ngoài ra, khi uống trà, uống nước trong quán ăn, tôi cũng phải có mẹo cả. Cầm chiếc cốc lên, tôi thường uống đoạn thẳng phần tay cầm vì chỗ đó cũng là chỗ bị ngược chiều, hầu như chẳng mấy người đụng miệng vào đấy cả.

Một vấn đề nữa là việc chọn quán ăn. Người ta vẫn nói là "trông mặt mà bắt hình dong", trong trường hợp này cũng nên dùng đến. Không biết bên trong thế nào nhưng tốt nhất cứ chọn quán nào trông sạch sẽ sáng sủa mà vào. Khi vào quán cũng nên để ý qua cách người ta làm, nếu thấy ổn, vừa mắt mình thì lần sau lại tới. Hơn nữa, tôi ăn những quán quen, những quán mà mình tin cậy".

Theo Minh Dương (phunuonline)