Nguy hại từ nhôm tiềm ẩn trong thực phẩm, đồ dùng nấu bếp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc tiếp xúc quá nhiều với nhôm tiềm ẩn trong thực phẩm, dụng cụ nấu bếp có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe con người.

Nguy cơ khi tiếp xúc với nhôm quá liều lượng quy định

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định mức tiêu thụ an toàn hàng ngày là 40mg nhôm cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể mỗi ngày, đối với một người nặng 60kg, lượng tiêu thụ chấp nhận được là 2.400mg. Nhưng hầu hết mọi người đều tiếp xúc và ăn nhiều hơn liều lượng an toàn hàng ngày được WHO quy định.

Nhôm có tự nhiên trong thực phẩm, nhưng nhôm do con người chủ động đưa vào thực phẩm cũng có. Nhôm được tìm thấy trong ngô, phô mai vàng, muối, rau thơm, gia vị hay trà, giấy bạc bọc thực phẩm...Nó được sử dụng rộng rãi trong dụng cụ nhà bếp, cũng như trong các tác nhân dược lý như thuốc kháng axit và thuốc chống mồ hôi. Nhôm sunfat, một dẫn xuất của nhôm, được sử dụng làm chất keo tụ trong quá trình lọc nước uống.

Đa số thực phẩm chứa nhôm với mức trung bình khoảng 5mg/kg. Một số loại thực vật như nấm, khoai tây, xà lách, lá trà, thảo dược (herbs), cocoa... có hàm lượng nhôm tự nhiên khá cao, từ 5-10 mg/kg hoặc hơn. Nước uống cũng chứa nhôm, nhưng ở mức rất thấp, không quá 0,2 mg/lít. Ước tính nguồn nhôm trong thực phẩm do con người chủ động đưa vào chiếm khoảng 70%, còn lại là nhôm tự nhiên có trong thực phẩm.

nguy-hai-tu-nhom-tiem-an-trong-thuc-pham-do-dung-nau-bep

Tiếp xúc nhiều với nhôm tiềm ẩn trong thực phẩm, dụng cụ nấu bếp có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học đã chứng minh, việc tiếp xúc quá nhiều với nhôm, có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe con người, nồng độ nhôm cao đã được phát hiện trong mô não của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.

Nhóm nghiên cứu của Mỹ đã kiểm tra cộng đồng người già mắc bệnh Alzheimer, kết luận rằng đây là một căn bệnh hiện đại đang ngày càng phát triển, do điều kiện sống của chúng ta thay đổi, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa xã hội. Đáng chú ý, một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do hàm lượng nhôm cao trong cuộc sống hàng ngày.

Nhôm cũng gây ra những rủi ro sức khỏe khác, gây hại cho một số bệnh nhân mắc bệnh xương hoặc suy thận. Nhôm cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của tế bào não con người.

Tránh dùng giấy bạc khi nấu ăn

Nồi và các dụng cụ nấu nướng có xu hướng bị oxy hóa, tạo thành một bề mặt trơ, lớp oxit tự nhiên, ngăn cản nhôm thẩm thấu vào thực phẩm trong quá trình nấu nướng. Tuy nhiên, vấn đề là khi chúng ta vệ sinh những dụng cụ này sau khi nấu ăn, sự cọ rửa dẫn đến lớp này mòn đi, tạo điều kiện để nhôm ngấm vào thực phẩm.

Vấn đề này dễ dàng tránh được, khi mua một chiếc chảo nhôm mới, hãy đun sôi nước vài lần trong đó cho đến khi đáy chuyển sang màu sẫm. Điều này tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên ngăn chặn sự rửa trôi, nó sẽ tốt hơn cho đồ ăn và sức khỏe. Nhưng nấu thức ăn bằng giấy bạc lại là một câu chuyện khác. Nó là loại dùng một lần và chúng ta sẽ không thể tạo bề mặt trơ trước khi sử dụng.

Giấy nhôm làm bằng nhôm nhưng thường được gọi là giấy bạc vì có màu trắng của bạc kim loại. Nhôm làm giấy bọc thực phẩm vì đặc tính dễ uốn, dễ dát mỏng và truyền nhiệt tốt.

Công dụng tuyệt vời nhất của giấy nhôm là giữ ẩm thực phẩm khi nấu nướng. Cá nướng giấy bạc, sườn nướng giấy bạc, đậu hũ hải sản nướng giấy bạc… còn giữ được khá nhiều hương vị do không bị bay hơi, mất mùi như nấu nướng để khơi khơi ngoài không khí.

Chưa hết, giấy nhôm bọc thực phẩm đem nướng trong lò, nhiệt đi qua giấy nhôm sẽ được phân bố đồng đều hơn, thực phẩm chín đều hơn, không bị cháy xém, chỗ quá sống, phần quá chín… Tuy nhiên, ở nhiệt độ cao khi nấu nướng, nhôm có thể thôi nhiễm vào thực phẩm. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy sự di chuyển của nhôm vào thực phẩm trong quá trình chúng ta nướng thịt, rau trong giấy bạc, cao hơn giới hạn cho phép do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra.

Nhôm có nhiều khả năng thấm vào thực phẩm, đặc biệt khi chúng ta nướng rau, thịt trong giấy bạc. Bất cứ thứ gì có tính axit đều sẽ kích hoạt một quá trình đặc biệt mạnh mẽ, làm hòa tan nhôm vào thực phẩm.

Do đó không nên sử dụng giấy bạc để nấu ăn. Thay vào đó nên sử dụng thủy tinh hoặc sứ để chứa thức ăn đưa vào lò vi sóng, lò nướng hoặc bạn có thể bọc thực phẩm lạnh trong giấy bạc. Càng không gói thực phẩm trong giấy bạc quá lâu, do thức ăn có thời hạn sử dụng hay các chất trong nó có thể là tác nhân khiến nhôm ngấm vào thức ăn.

Không dùng giấy bạc trữ thức ăn có chứa dấm, thức ăn nhiều muối mặn, thức ăn nhiều gia vị hay thức ăn nhiều tính axit như cà chua… các chất trong đồ ăn đó kị kim loại, sẽ phản ứng, gây thối, hỏng thức ăn hoặc có đốm xanh.

Không dùng giấy bạc bọc thực phẩm và nướng trong lò vi sóng, vì chúng có thể gây ra hiện tượng bắn các tia lửa điện. Không dùng giấy bạc để lót dưới đáy lò nướng

Không nên dùng giấy bạc lót dưới đáy lò nướng để chống tràn và chống chảy nước, vì nó sẽ làm cho thực phẩm không chín hoàn toàn, đồng thời ảnh hưởng tới thời gian sử dụng của lò nướng.

Cách đối phó để hạn chế nhôm nạp vào cơ thể

Nhôm vào cơ thể hấp thu qua đường ruột, một phần tích lũy ở các mô rải rác trong cơ thể (nhiều nhất ở xương), một phần bài tiết ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Tỉ lệ tích lũy và đào thải tùy thuộc một phần nhôm được đưa vào cơ thể ở dạng nào.

Do đó khi sử dụng nước lọc nên dùng phèn chua. Lượng phèn chua dùng để lọc nước khoảng 20 mg/lít, nhưng nhôm lại bị kết tủa trong quá trình lọc nước. Do đó, dư lượng nhôm còn lại trong nước không đáng ngại.

Nhôm dùng trong bột nở phải tuân theo quy định mức tối đa được phép sử dụng của cơ quan an toàn, tùy theo loại bánh. 

Dùng phèn chua để muối dưa, rau củ quả, ở mức 5 gr/lít là hơi nhiều tuy nhiên, lượng nhôm mà WHO khuyến cáo, 60 mg nhôm/tuần, là quy thành mức nhôm nguyên tố.

Lưu ý, quy định về nhôm là mức giới hạn tiêu thụ hằng tuần, chứ không phải hằng ngày, hàm ý hôm nay ăn nhiều, thì mai ăn ít lại, miễn sao hằng tuần không nên quá mức đó. Bởi vì nhôm vào cơ thể không chỉ nằm yên đó, mà còn bị đào thải ra ngoài. Vấn đề là ăn uống điều hòa, không quá tập trung vào thực phẩm nào cả, mà nên đa dạng. 

Để phòng thôi nhiễm ở nồi nấu, vật dụng đựng thực phẩm bằng nhôm, các chuyên gia khuyến cáo, không dùng đồ nhôm để đựng thức ăn qua đêm; không dùng đồ nhôm để muối dưa, đánh trứng gà, làm nộm chua, nấu canh chua hay đồ muối mặn, nóng…; không dùng đồ nhôm gia công không bảo đảm công nghệ. 

Theo VietQ