Nữ y tá lấy nhà làm trạm xá, 30 năm bám đảo chăm sóc sức khỏe cho bà con

Một chiếc túi nhỏ đựng dụng cụ y tế cùng một chiếc đèn pin là những vật dụng không thể thiếu đối với cô Trường trong những đợt thăm khám sức khỏe cho bà con trên đảo.

Nối “nghiệp” nghề y

Trong ngôi nhà mái ngói ba chật hẹp và đơn sơ, cô  Đào Thị Trường ở thôn Tân Lập, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh tâm sự  với chúng tôi về công việc của một  y tá công tác ở đảo xa.

Người phụ nữ đã ngoài 50 với mái tóc đã điểm bạc, khuôn mặt hiền lành và phúc hậu nhưng đôi mắt luôn luôn đượm buồn.

Năm 1986, nghe theo lời khuyên của gia đình cô đã quyết định theo học y tá. Người cha cất công xin cho cô đi học. Gia đình đã phải tích cóp tằn tiện để lấy tiền nuôi cô ăn học. “Nghề y là một nghề cao quý, nghề làm phúc cứu người.

Cha thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu theo thời gian, không làm được bao lâu thôi con cố gắng theo học y rồi về thôn thay cha thăm khám sức khỏe cho bà con trên đảo”, cô Trường nhớ lại lời cha mình. Theo học đến năm 1987, cô ra trường và xin về đảo công tác cho đến tận bây giờ.

Thôn Tân Lập thuộc địa phận xã đảo Quan Lạn, Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Nơi đây vốn là một đảo khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Địa hình của thôn Tân Lập chủ yếu là đồi núi, dân cư phân sinh sống rải rác. Thôn tách biệt hoàn toàn với trung tâm xã Quan Lạn.

Nữ y tá lấy nhà làm trạm xá, 30 năm bám đảo chăm sóc sức khỏe cho bà con

Cô Trường tâm sự về công việc mà mình gắn bó 30 năm qua

Ngày đầu về đảo công tác cô y tá trẻ gặp không ít khó khăn, dụng cụ thăm khám không có, ngay đền một vỉ thuốc cũng không. "Hàng ngày đều phải băng rừng vượt gành đến khám sức khỏe cho bà con.

Thời đó chưa có đường bê tông, có xóm cách trung tâm thôn mấy chục cây số đường rừng. Buổi sáng phải thức dậy sớm sau đó  băng rừng vượt gành biển đi xuống địa bàn.

Nửa đêm gà gáy hễ có người nhà bệnh nhân lên gọi mình lại mê man xách vội túi, cầm chiếc đèn pin cùng họ vượt rừng. Tháng nào cũng phải ít nhất 10, 15 ngày có mặt dưới Tỏi ( xóm cách trung tâm thôn Tân Lập 10 km đường rừng – PV ) đi từ tờ mờ sáng, tối mịt mới về tới nhà”, cô Trường kể.

Bạn bè khuyên chuyển công tác nhưng cô y tá trẻ vẫn quyết định ở lại thôn bám đảo. Cô tâm sự: “ nhiều đêm đi làm về  cũng nghĩ và đắn đó có nên xin chuyển công tác hay không. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu mình đi thì sức khỏe bà con lúc ốm đau ai lo. Mình cũng không đành lòng bỏ quê hương mà đi”.

Vất vả chồng chất vất vả nhưng người nữ y tá vẫn vượt qua khó khăn. "Khổ nhất là năm 1994 khi cô sinh con. Nhiều đêm có người nhà bệnh nhân đến gọi lại phải vội vàng gửi con cho hàng xóm trông hộ để đi.

Thằng bé ở nhà khát sữa khóc tím lịm cả người. Về sau mới quyết định mua cái địu, hễ có bệnh nhân bị tai nạn, sinh đẻ cần mình mình lại địu con đi cùng, lắm lúc nhìn con ứu nước mắt không biết làm sao”, cô Trường bùi ngùi kể lại.

Băng rừng vượt biển khám bệnh cho bà con

Tính đến nay đã là 30 năm cô Trường gắn bó với công việc y tá ở đảo. Cũng từng ấy năm cô đã trải qua bao cơ cực, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Khi con đường bê tông của thôn chưa được hoàn thành thì hàng ngày để đi được đến các thôn cô đều phải đi đường rừng. Xóm bản xa nhất cũng 10km , để qua đó lại phải đi men theo đường  gành biển.

Cô cho biết: “Xa nhất là dưới Tỏi, vất vả luồn rừng mới xuống được đó. Khi chưa có sóng điện thoại thì người nhà bệnh nhân họ lại phải lên tận nhà để gọi mình xuống. Nhiều ca sinh nở, ốm đau, tai nạn chỉ cần mình đến chậm là tính mạng họ nguy hiểm cho nên ngay khi có tiếng gọi ngoài cổng đã biết là có bệnh nhân, thế là chỉ kịp mang túi là đi luôn. Khi xong công việc lắm lúc đã 8h tối lại một mình băng rừng về nhà”.

Nữ y tá lấy nhà làm trạm xá, 30 năm bám đảo chăm sóc sức khỏe cho bà con

Những dụng cụ gắn bó với cô Trường trong quá trình thăm khám cho bà con

Nhiều địa bàn dân cư sinh sống của thôn bị chia cắt bởi đồi núi và biển. Để tới được vùng này không hề đơn giản đối với một nữ y tá như cô Trường. Khi nước biển xuống cô lại phải men theo đường gành biển, nước biển lên lại phải lận theo đường rừng để đi.

Cô kể: “ Những chỗ bùn lầy thì mình phải bỏ giày ra để đi, còn trên rừng chỗ có đường mòn thì không sao nhưng có chỗ cây gai rừng um tùm lại phải luồn lách mới qua được.

Xuống đến nhà bệnh nhân thì quần áo lấm bùn, tay chân xây xát do mảnh chai mảnh sành, gai rừng đâm vào tay chân. Tối mịt lại một mình theo đường rừng để về. Tối về lo sợ nhất là rắn cắn, thú dữ ở đây rất nhiều một tay cầm đèn pin một tay cầm cây gậy”.

Lấy nhà làm trạm xá

Ngay cả trạm xá để cho người dân đến thăm khám cũng không có. Cô đành tận dụng ngôi nhà của mình để làm trạm xá. Cô còn xây dựng thêm một gian nhà nhỏ để có chỗ cho những bệnh nhân ở xa đến để ở.

“Những chị em ở xa hay  dân thuyền họ đánh cá đến ngày sinh nở họ lên đây hỏi mình cho ở và đỡ đẻ cho họ. Khi các cháu đã rụng rốn an toàn mình mới cho về”, cô Trường cho biết thêm.

Những trường hợp sinh nở khó, tai nạn lao động, tai nạn giao thông nặng, cô thuê đò chuyển những bệnh nhân sang trung tâm y tế xã. Cô cho biết: “Nhiều trường hợp thuê đò chuyển bệnh nhân sang trung tâm y tế xã họ không có tiền mình lại trả cho. Trường hợp như  đau ruột thừa, ốm nặng mình cùng người nhà thuê tàu chuyển bệnh nhân vào bệnh viện huyện”.

Nữ y tá lấy nhà làm trạm xá, 30 năm bám đảo chăm sóc sức khỏe cho bà con

Ngôi nhà của cô Trường cũng là trạm xá của thôn

Điều làm chúng tôi không khỏi cảm phục về tấm lòng của cô đối với bà con trong thôn. Với số tiền trợ cấp ít ỏi một triệu tám trăm trong ba tháng mới lĩnh một lần. Tất cả số tiền này cô dành để mua thuốc phục vụ bà con trong thôn khi ốm đau.

Người không có tiền trả cô lại cho. “Số tiền trợ cấp bên trung tâm y tế xã là 600 nghìn một tháng đối với người khác là ít ỏi, nhưng đối với  mình đó là một số tiền không hề nhỏ. Tích cóp tí một để mua thuốc phát cho bà con khi họ ốm đau, còn tiền chi phí hàng ngày thì  mình đi làm thêm”, cô chia sẻ thêm.

Những vật dụng đơn giản như chiếc túi xách, chiếc đèn pin, chiếc đèn dầu là những vận dụng không thể thiếu trong những lần cô đi thăm khám cho dân hay băng bó cho bệnh nhân:

“Chiếc đèn pn để soi đường còn chiếc đèn dầu tuy không được sáng nhưng cũng đủ nhìn rõ  khi khâu hoặc băng bó cho bệnh nhân. Lúc nào trong túi ngoài dụng cụ y tế cũng phải có hai chiếc đèn nó được coi là vật bất ly thân của mình”, cô Trường cho hay.

Trao đổi với chúng, trưởng thôn Tân Lập, ông Hoàng Minh Tuấn cho hay: "Từ ngày cô Trường làm y tá ở thôn chưa xảy ra trường hợp nguy hiểm nào.

Bà con ốm đau, chị em sinh nở cô đến tận nơi thăm khám. Thôn cũng chỉ mong có một trạm xã nhỏ để có chỗ cho cô làm việc. Kinh phí hỗ trợ thêm phần nào để cô trang trải trong cuộc sống”

Ông Bùi Ngọc Hồng, Trạm Trưởng Trạm y tế xã Quan Lạn cho biết: “Trong tám 8 thôn của xã Quan Lạn thì thôn Tân Lập là khó khăn nhất, mặc dù là làm việc trên địa bàn khó khăn nhưng cô Trường vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một công tác viên y tế thôn bản. Cô ấy là một người nhiệt tình có trách nhiệm với công việc”.

Theo giadinhvietnam