Rau mầm có thực sự an toàn như người tiêu dùng vẫn nghĩ?

Tránh được thuốc sâu, phân bón, rau mầm vẫn có thể vướng phải nhiều nguy cơ gây bẩn khác gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Rau mầm được xem như một loại sản phẩm mới làm phong phú cơ cấu rau, tăng khối lượng rau an toàn và rau chất lượng cao, nhất là vào thời điểm trái vụ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có giống rau nào dùng riêng cho sản xuất rau mầm. Đa số người sản xuất đều mua hạt giống từ các cửa hàng bán các loại giống cây trồng và chưa quan tâm đến chất lượng của hạt giống rau.

Bát nháo thị trường rau mầm

Có thể nói, rau mầm là loại rau nhanh cho thu hoạch, chỉ sau 5 – 7 ngày gieo hạt là có thể thu hái, đồng thời chứa nhiều vitamin nên rất có lợi cho sức khỏe.Tính về giá cả thì với 15.000-20.000đ/100g hạt giống cho khoảng 700-1.000g rau mầm, so với giá ngoài thị trường (trên 40.000đ/kg) thì rau tự trồng ở nhà đúng là “ngon, bổ, rẻ, tiện lợi”, đặc biệt được cho là “siêu sạch”.

Rau mầm có thực sự an toàn như người tiêu dùng vẫn nghĩ?

Rau mầm được khá nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn bởi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Hà Nội, phong trào trồng rau mầm tại nhà đã nở rộ trong vài năm trở lại đây, nhất là cư dân đô thị. Tuy nhiên, cùng với nhiều ưu thế đáng kể, rau mầm đang tồn tại những nguy cơ mà không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được.

Theo phân tích của chuyên gia những giá thể (nguyên liệu tạo ra mặt bằng để gieo hạt giống) tự làm như đất cát, rơm, rác dừa… nếu không qua tiệt trùng (hấp nóng, dùng chất tiệt trùng để diệt vi khuẩn, nấm mốc) và ở trong môi trường nóng ẩm, ít nắng sẽ là nguy cơ gây khiến rau mầm nhiễm nấm mốc, vi khuẩn như Pythium, E.coli... Giá bằng đất cát có thể chứa nhiều kim loại nặng hoặc hàm lượng nitrat cao khiến người tiêu dùng, đặc biệt trẻ nhỏ bị ngộ độc (thiếu ôxy, ảnh hưởng tới thần kinh, hôn mê…). Nước tưới cho rau mầm phải là nước sinh hoạt sạch; các loại nước bã chè, nước gạo và giá thể dùng lại sẽ khiến vi khuẩn gia tăng.

 Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, rau mầm được rao bán khá sôi động. Ngoài các siêu thị, cửa hàng kinh doanh giống cây trồng, chỉ cần vài giây tra cứu trên internet, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều địa chỉ cung cấp hạt giống rau mầm. Thậm chí, hạt giống rau mầm còn được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook hay các diễn đàn khác. Theo khảo sát của phóng viên, giá các loại hạt giống rau mầm khá mềm, dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/gói tùy loại. Đơn cử, hạt giống rau mầm xà lách loại gói 15g có giá 20.000 đồng, hạt rau mầm súp lơ xanh giá 20.000 đồng/gói 20g, hạt rau mầm cải củ giá 30.000 đồng/gói 30g…

Không chỉ có nguy cơ nhiễm hóa chất mà tự thân hạt mầm cũng có thể gây hại cho người tiêu dùng. Nếu gieo rau mầm bằng những hạt có tẩm hóa chất (bảo quản giữ giống, loại này trồng lấy lá, củ) thì vì thời gian thu hoạch ngắn ngày nên tồn dư hóa chất chưa được phân hủy. Vì vậy muốn trồng rau mầm phải chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.

Việc chọn loại hạt cũng cần được chú ý. Hầu hết các loại hạt ăn được thì đều có thể làm rau mầm song không nên dùng một vài hạt như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim. Nguyên nhân là các hạt này tuy giàu dinh dưỡng nhưng lại thường có hàm lượng lớn glucozid sinh acid cyanhydric gây triệu chứng say, tương tự như sắn, măng. Mầm một số củ thì không được ăn. Ví dụ trong mầm khoai tây có chất alkaloid solanine, ăn vào có thể tử vong ngay.

Cần đảm bảo đúng quy trình trồng rau mầm

Theo các chuyên gia, để có rau mầm sạch phải có hạt giống và giá thể sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, người dân muốn trồng rau mầm hay mua rau mầm thành phẩm an toàn phải tìm đến các cơ sở có uy tín, có đăng ký kinh doanh rõ ràng, hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu hạch toán kinh doanh, chi phí sản xuất rau mầm đắt gấp 2 – 3 lần so với mua rau thông thường ngoài chợ.

Rau mầm có thực sự an toàn như người tiêu dùng vẫn nghĩ?

Đảm bảo quy trình trồng rau mầm để rau an toàn và không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng

 Quy trình trồng rau mầm trên quy mô gia đình đảm bảo các yếu tố đơn giản và đảm bảo an toàn:

- Dùng giấy ăn (loại chưa sử dụng) đặt lên khay (rổ rá, khay nhựa có lỗ thủng) làm giá thể. Sử dụng giấy ăn vừa tiết kiệm so với xơ dừa, phân trùn quế đã xử lý, vừa có cơ chế thấm ẩm đều, nhanh, đảm bảo sạch.

- Hạt giống ngâm trong nước ấm khoảng 300C từ 10-12 giờ với hạt giống to như đậu tương, lạc, đậu xanh; và khoảng 6 giờ với hạt nhỏ như hạt cải.

- Trải hạt đã ngâm lên giá thể, cứ 3-4 tiếng tưới nước làm ẩm một lần.

-  Sau 6-7 ngày có thể thu hoạch; riêng với đậu xanh, đậu tương, đậu đen thì chỉ để khoảng 3 ngày.

Sau khi thu hoạch, không được dùng lại giấy ăn. Các khay đựng giá thể phải được cọ rửa sạch và nên phơi nắng để diệt khuẩn. Nước tưới, nước ngâm hạt phải là nước sạch.

Theo Huyền Thương (NTD)