Sử dụng dụng cụ kê tay để tránh...đau mỏi cổ

Bài viết tổng hợp các cách chữa trị cơn đau ở cổ đơn giản và hiệu quả, có thể thực hiện ngay tại nhà.

Các bác sĩ cho biết, hội chứng đau cổ vai gáy xảy ra ở mọi giới và ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện là đau âm ỉ (hoặc dữ dội) ở cổ, đau có thể lan lên gáy, thái dương, tai hoặc lan xuống vai gây co cứng cơ.

Nguyên nhân của đau cổ, vai có rất nhiều, do tư thế ngồi, tư thế khi làm việc, gối đầu cao khi ngủ, kê đầu trên vật cứng trong một thời gian dài, nằm xem tivi; ngồi trước quạt, bị lạnh, bị dầm mưa, gội đầu ban đêm.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới mỏi cổ có thể còn do tổn thương của cột sống cổ như tổn thương đĩa liên đốt sống sau chấn thương hoặc do công việc hàng ngày gây nên các vi chấn thương cho khớp như lái xe, làm việc với máy vi tính…

Để giảm cơn đau mỏi cổ hoặc căng nhức, bạn đọc có thể thực hiện một vài mẹo nhỏ mà Trí Thức Trẻ dẫn theo Littlethings, bao gồm:

Sử dụng dụng cụ kê tay

su-dung-dung-cu-ke-tay-de-tranh…-dau-moi-co

Đây là một trong nhiều cách để bạn tạo sự cân bằng giữa trọng lượng cơ thể với tư thế ngồi. Khi bạn cảm thấy cánh tay - hay phần cơ giữa cánh tay và cổ - bị căng lên và bắt đầu gây đau mỏi, đã đến lúc sử dụng dụng cụ kê tay.

Theo HealthCentral, dụng cụ kê tay có thể giữ trọng lượng cánh tay ổn định, tránh làm căng cơ cổ. Trường hợp cơ cổ bị căng nhiều, chúng sẽ nhanh chóng trở nên nhức mệt và gây đau đớn.

Luôn nạp đủ nước cho cơ thể

Nước không chỉ giúp duy trì sự cân bằng của dịch cơ thể mà còn điều hòa lượng calo và cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Đối với cổ, uống nước cũng có ảnh hưởng rất tích cực.

Theo lý giải của các nhà khoa học, phần đĩa đệm giữa đốt sổng cổ trong khung xương sống của bạn có cấu tạo phần lớn là nước. Để giúp đĩa đệm khỏe mạnh và linh hoạt, điều quan trọng là không làm cơ thể mất nước.

Gợi ý chung thường là 8 ly nước mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh để lượng nước uống phù hợp với cơ thể, không gây cảm giác ngán.

Luôn chú ý tới độ thăng bằng khi mang vác đồ vật, nhất là vật nặng

Chắc chắn mỗi chúng ta từng mắc phải sai lầm này: xách hoặc mang một chiếc túi hay đồ vật nặng nào đó chỉ trong một tay.

Việc này khiến hai vai mất thăng bằng, cơ thể chúng ta sẽ bị “ngả nghiêng” do trọng lượng phân phối không đều. Một bên người sẽ bị đè nặng hơn và tạo nên cảm giác căng cơ, đau nhức.

Cách phòng tránh tốt nhất luôn là phân phối sức nặng đồng đều giữa hai tay hoặc bạn có thể để mọi thứ cần mang trong một chiếc balo, khoác sau lưng để đảm bảo hai vai không bị lệch.

Đứng với tư thế ngực nở, vai thẳng

su-dung-dung-cu-ke-tay-de-tranh…-dau-moi-co

Kiểu đứng rụt vai rụt cổ trên thực tế có thể ảnh hưởng rất xấu không chỉ vóc dáng của bạn mà còn là nguyên nhân làm yếu cổ. Trước hết, bạn cần hiểu rõ rằng hai vai chính là giá đỡ tuyệt vời hỗ trợ cho cổ bạn.

Nếu vai đưa về phía trước nhiều quá sẽ khiến đầu, cổ rụt lại và ngực hóp vào trong. Tư thế này không cung cấp đủ lực cho hai vai và phần thân trên, kết quả là cơ cổ bị căng cứng.

Làm việc với màn hình máy tính ngang tầm mắt

Nếu màn hình máy tính đặt quá cao so với tầm mắt, bạn sẽ phải hơi nghển cổ lên trong nhiều giờ liền. Nếu màn hình đặt quá thấp, bạn lại phải hơi gục đầu xuống - một tư thế khá kỳ quặc và chẳng mấy dễ chịu. 

Cách xử lý vấn đề này là điều chỉnh vị trí màn hình máy tính sao cho phần trên cùng màn hình nằm ngang với tầm mắt của bạn.

Trên báo VnExpress, lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký hội Dược liệu TP.HCM giới thiệu một số động tác phòng và chữa đau cổ, gáy cho những người làm công việc văn phòng, phải ngồi nhiều giờ trên ghế. Cụ thể như sau:

- Ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, toàn thân thư giãn, nếu đứng thì hai chân đứng rộng bằng vai, thả lỏng toàn bộ các cơ ở cổ, hai mắt nhìn thẳng, hít thở tự nhiên. Dùng tay xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

- Cúi gập đầu xuống (thở ra), ngẩng đầu cao, mắt nhìn lên trần nhà (hít sâu vào), cúi xuống ngẩng lên đếm 1 lần. Thực hiện 10-20 lần.

- Dùng tay tiếp tục xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

Nghiêng đầu qua trái, cố gắng cho lỗ tai bạn chạm đến mỏm vai trái (thở ra), rồi xoay đầu qua phải, tai chạm mỏm vai phải (hít vào). Qua trái - phải đếm 1 lần. Thực hiện 10-20 lần rồi đổi bên: Nghiêng qua phải (thở ra), nghiêng qua trái (hít vào). Thực hiện 5-10 lần.

- Xoay đầu qua trái, cố gắng để cằm chạm vai trái (thở ra), rồi xoay đầu qua phải, cằm chạm vai phải (hít vào). Qua trái - phải đếm 1 lần. Thực hiện 5 lần rồi đổi bên: Xoay đầu qua phải (thở ra), xoay đầu qua trái (hít vào), thực hiện 5-10 lần.

Sau khi thực hiện các động tác trên, tốt nhất nên đi lại một chút, hoặc làm các động tác đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng để có thể bổ trợ cho sức khoẻ toàn cơ thể.

Khi ngồi vào bàn, cần chú ý chiều cao giữa ghế và bàn làm việc sao cho đầu không phải cúi hay ngẩng khi nhìn vào màn hình máy tính.

N.H (tổng hợp)

Theo Người Đưa Tin 

----------------------

Xem thêm:

Bác sĩ tiết lộ: Cho một ít hạt đậu nành vào ruột gối, bệnh đau cổ vai gáy sẽ "biến mất"