Thạch găng: Món quà dân dã thu hút người tiêu dùng

 Giữa mùa hè nhiệt độ lên cao, một cốc thạch găng ngọt mát, thơm mùi lá găng đặc trưng sẽ giúp thực khách giải nhiệt. Món ngon bình dân, dễ làm này đang xuất hiện trở lại ngày càng nhiều trên đường phố Thủ đô.

Thạch găng dân dã giải nhiệt mùa hè

Với nhiều người, thạch găng là món ngon trong kỷ niệm ấu thơ, vừa rẻ tiền tiện mua, vừa ngon ngọt thơm mát và đã khát ngày hè. Khá lâu, món thạch găng chân quê này không còn bày bán phổ biến, thay vào đó là các loại thạch với nguyên liệu mới chế theo công nghệ hiện đại. Một quãng thời gian "ngủ yên" đủ dài để giờ đây món quà quê dân dã này trở lại trong sự đón đợi hồ hởi của rất nhiều người tin yêu vào sự thanh sạch, mát lành, chân chất, giản dị và nhất là tràn đầy ký ức ấu thơ. Món ăn vặt này sau một thời gian vắng bóng đã quay trở lại thị trường, chiếm luôn cảm tình của người Hà Nội.

Chị Đào Thương (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, trẻ con nhà chị cháu nào cũng thích ăn thạch nên mùa hè năm nay chị mua hẳn vài cân bột lá găng về để chế biến thạch trong những ngày nắng nóng. So với những loại thạch khác, thạch găng có màu xanh ngọc, mềm mượt, thơm mát giúp giải nhiệt tốt.


Chè thạch găng, món ăn thanh mát lý tưởng trong ngày hè.

“Một lần tình cờ được một người bạn ở Hải Phòng cho ít lá găng và chỉ cho cách làm, ăn thấy lạ miệng, mát lành nên cả nhà tôi nghiện luôn món này. Hơn nữa bây giờ đi ra chợ thạch bày bán la liệt, đủ màu sắc nhưng không biết có đảm bảo hay không, không biết họ làm từ bột gì nên cứ tự làm lấy cho an toàn, mà làm thạch này lại cực kỳ đơn giản”, chị Thương nói.

Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội mua bán, thạch găng là một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh. Chị Hoàng Yến (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ “Quê tôi ở Quảng Ninh, hồi xưa khi còn học cấp 2, mỗi lần đi học về là lại ghé hàng thạch ở vỉa hè làm một cốc thạch găng lẫn tào phớ. Đã hơn chục năm nay tôi chưa được thưởng thức hương vị này. Nhắc đến lại thấy cả ký ức hồi xưa tràn về”.

Năm nào cũng vậy cứ vào mùa nóng là chị Hạnh (Lạc Long Quân, Tây Hồ) lại bán lá găng. Tuy nhiên, năm nay mọi người có xu hướng mua nhiều hơn, nắm bắt tâm lý đó chị nhập nhiều lá găng và thậm chí còn chế biến sẵn để "ship hàng" cho khách. Bột lá găng được đóng thành túi 0,5kg và 1kg. Giá bán dao động từ 100.000 - 150.00 đồng/kg lá hoặc bột thạch găng.

Theo chị Hạnh, thạch găng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như ăn cùng tào phớ, nước đậu nành, nước đường... hay làm nguyên liệu cho các món chè.

Từ đầu hè đến nay chị đã bán được gần 100 kg thạch găng. Không chỉ khách Hà Nội mà nhiều chị em ở các tỉnh, dù khá lạ lẫm với món thạch này nhưng khi tìm hiểu, xem cách làm cũng hồ hởi mua về làm thử. Thạch tự làm đảm bảo vệ sinh, ngon lành, lại vừa thú vị.

Tại Hà Nội cũng những quán bán thạch găng rất nổi tiếng. Thạch găng bán kèm nha đam, trân châu, thạch đen…với giá rất rẻ, mỗi cốc chỉ từ 10.000- 15.000 đồng.


Thạch găng Trần Phú là địa chỉ được nhiều người biết đến

Theo chủ quán thạch găng ở Trần Phú thì cô đã bán món thạch này khoảng 4 năm nay. Cứ đến dịp hè hàng quán lúc nào cũng đông nghịt. Một phần nhờ quảng cáo trên các trang mạng xã hội nên khách biết đến quán, thạch găng ngày càng đông. Làm thạch găng rất đơn giản nhưng người làm cần có bí quyết riêng về công thức chế biến, tỷ lệ để thạch có độ rắn, giòn, độ ngọt vừa phải,có hương vị thơm ngon đặc trưng.

 Cách làm thạch găng truyền thống 

Theo kiểu truyền thống, lá găng rừng được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lưu ý quan trọng là phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.

Những nguyên liệu này tiếp tục được tráng qua nước lọc, để ráo, chuyển vào rá, vò nát và đổ nước sôi, vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Nhiều người thường bỏ thêm chút vôi cho thạch cứng hơn.

Công đoạn vò lá cũng phải rất nhanh tay, chỉ chừng 10 - 15 phút. Quá thời gian này, thạch sẽ bị đông mà chưa kịp lọc. Sau khi lọc xong, bạn chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.

Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, trơn tuột khi chạm vào lưỡi. Hương vị đặc trưng hơi chát nhưng thường được ăn kèm nước đường ngọt dịu, tác dụng giải nhiệt rất tốt.

Ở Hà Nội, nhiều quán thường cho thêm trân châu hay thạch đen để làm phong phú món ăn. Một số nơi còn ăn cùng nha đam cắt khúc hoặc rót thêm giọt dầu chuối.

Quỳnh Chi (NTD)