Thận trọng khi mua hàng bằng voucher khuyến mãi

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ai cũng muốn được mua được những sản phẩm giá rẻ, đây cũng là yếu tố góp phần cho sự phát triển của hình thức kinh doanh thương mại điện tử hiện nay.
 

VOUCHER

Ảnh minh họa

Việc sử dụng phiếu thanh toán hàng hóa dịch vụ (voucher) trong thanh toán các sản phẩm dịch vụ dần phổ biến hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít người đã mang nỗi ấm ức, không hài lòng hoặc thất vọng với những gì mình đã bỏ ra khi mua voucher.

Những voucher thường có giá trị khuyến mãi “khủng” từ 30-60% nên thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ.

Trên một vài trang thương mại điện tử được nhiều người tiêu dùng biết đến như nhommua.com, cungmua.com, cucre.vn…, rất nhiều mặt hàng khuyến mãi từ đồ gia dụng, thời trang, ẩm thực, nhà nghỉ, khách sạn đến những đồ điện tử công nghệ thông qua mua voucher.

Đơn cử, có những voucher dành cho những chuyến du lịch, nghỉ ngơi như tour du lịch Hạ Long 2 ngày, 1 đêm sau khi giảm từ 2,1 triệu đồng/người xuống còn 1,2 triệu đồng/người hay khách hàng chỉ cần bỏ ra 1,35 triệu đồng cho trị giá 2,45 triệu đồng tour du lịch Hà Nội-Cửa Lò-quê Bác 3 ngày, 2 đêm.

Với quảng cáo và khuyến mãi hấp dẫn, hình thức thanh toán và giao phiếu voucher tiện lợi cho người tiêu dùng, nhiều khách hàng đã không ngại ngần bỏ ra một khoản tiền mua những voucher để có thể có được những sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những người hài lòng về hình thức mua bán này, vẫn còn không ít người gặp rắc rối, phiền toái thậm chí cảm thấy bị lừa khi mua voucher.

Chị Nguyễn Ngọc Linh ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, chị mua voucher máy tính bảng hiệu Acho với giá hơn 2 triệu đồng và giá trị thực tế của sản phẩm (được ghi trên voucher) là 4,4 triệu đồng.

Nghĩ rằng mình mua được sản phẩm đó với giá hời, nhưng khi giới thiệu cho bạn bè cách mua này chị mới biết, giá chiếc máy tính bảng cùng mẫu mã, chủng loại nếu mua tại các cửa hàng khác cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/chiếc, thậm chí có những cửa hàng còn rẻ hơn đến 200.000 đồng/chiếc.

Một lần khác, sau khi tham khảo giá bộ sản phẩm sữa tắm và dầu gội đầu Biore ngoài thị trường chị thấy nếu mua voucher với giá 87.000 đồng có thể sẽ tiết kiệm được 50% so với giá ngoài thị trường. Thế nhưng, khi nhận được sản phẩm, chị mới biết hạn sử dụng của bộ sản phẩm này chỉ còn một tháng.

Không những vậy, nhiều người sử dụng voucher khi mua hàng còn gặp phải tình trạng bị phân biệt đối xử, bị ép mua loại hàng mà mình không thích.

Nguyễn Thùy Dương, sinh viên trường Đại học Ngoại thương bức xúc, mua được voucher giảm giá quần áo nhưng khi đến cửa hàng để chọn sản phẩm thì được nhân viên dẫn sang bên quầy chỉ toàn loại quần lỗi mốt, hết size và cho biết phiếu mua hàng chỉ mua được các mặt hàng này, còn những mặt hàng khác thì phải thanh toán bằng tiền.

“Đấy còn chưa kể các chủ cửa hàng lạnh nhạt, phân biệt đối xử giữa khách hàng thanh toán tiền mặt và thanh toán bằng phiếu giảm giá. Khi xin tư vấn mua hàng từ những người bán thì chỉ nhận được những câu trả lời cụt lủn như hết size, hết hàng, hàng chỉ có thế lấy được thì lấy. Chỉ tự trách mình vì lỡ mua voucher mà không tìm hiểu thông tin rõ ràng nên đành ngậm ngùi chọn hàng cho xong rồi về,” chị Dương nói.

Chia sẻ kinh nghiệm mua hàng cũng như “săn” được những voucher giá rẻ mà mua được những sản phẩm hoặc hưởng những dịch vụ vừa ý, chị Nguyễn Tuyết Phương, nhân viên văn phòng một công ty Trách nhiệm hữu hạn ở Hà Nội cho biết, trước khi mua cần đọc kỹ các điều kiện và thời hạn sử dụng phiếu.

Với những phiếu giảm giá tại các chuỗi cửa hàng, cần xem có được áp dụng cho mọi cửa hàng trong hệ thống hay chỉ tại một vài địa chỉ nhất định. Đặc biệt với các voucher du lịch, bạn cần đọc kỹ nội dung xem phiếu có bao gồm vé tàu xe, máy bay, phí dịch vụ lưu trú hay không… Với các mặt hàng mỹ phẩm, cần tìm hiểu hạn dùng của sản phẩm trước khi mua voucher.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, từ đầu năm đến nay có 73 trường hợp khiếu nại về quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có 15 trường hợp khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử.

Mặc dù có sự can thiệp của Hiệp hội, nhưng hầu hết các doanh nghiệp có liên quan đến các khiếu nại về thương mại điện tử đều lập lờ biện minh để từ chối trách nhiệm giải quyết.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ không nhỏ những người bị lừa khi mua hàng bằng voucher nhưng cũng không muốn khiếu nại với suy nghĩ chấp nhận chịu thiệt vì "trót dại" mua hàng giá rẻ. Chính thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của kinh doanh thương mại điện tử - hình thức kinh doanh được đánh giá là văn minh và kinh tế.
 

Bốn nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử gồm:

Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử

Lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử

Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan.

(Theo Nghị định 52/2013/NĐ - CP của Chính phủ quy định về thương mại điện tử, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013)

Theo Việt Trung
 TTXVN