Thi sắc đẹp: Nhiều quá hóa... nhảm

Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, mỗi năm chỉ cho phép tổ chức tối đa 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia.

Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam đã, đang có tình trạng “loạn thi nhan sắc”. Số lượng cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam ngày càng gia tăng nhưng chất lượng lại có hạn, thậm chí nhiều thí sinh, đơn vị tổ chức còn tạo ra những tai tiếng, lùm xùm khiến công chúng ngao ngán...

Từ “loạn” thi sắc đẹp...

Không khó để nhận thấy thời gian qua, các cuộc thi nhan sắc ở nước ta ngày càng gia tăng. Các cuộc thi có tên gọi na ná nhau, được quảng bá và PR rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Nếu trước đây, đều đặn 2 năm/lần, công chúng mới có dịp chiêm ngưỡng tài năng, sắc đẹp của các cô gái trẻ người Việt đến với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam uy tín và lâu đời nhất, thì hiện nay các cuộc thi nhan sắc được mở ra hàng tháng, thậm chí hàng ngày.

Năm 2017 được xem là “mùa thi nhan sắc” ở nước ta, đó là các cuộc thi liên tiếp diễn ra, gồm: Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng Doanh nhân Việt Nam, Hoa khôi Sinh viên Việt Nam, Miss Teen, Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt, Người đẹp biển Việt Nam, Người đẹp xứ Trà...

Không dưng mà các cuộc thi nhan sắc diễn ra ở nước ta nở rộ như thời gian qua. Có cung ắt có cầu, đó là quy luật và điều này cũng diễn ra trong hoạt động thi sắc đẹp. Việc nhiều cuộc thi nhan sắc nở rộ, trước hết, các đơn vị tổ chức nhằm thu phí của thí sinh.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức thường là các công ty truyền thông, doanh nghiệp muốn đánh bóng tên tuổi, quảng cáo sản phẩm, hình ảnh với công chúng.

Trong khi đó, một số cô gái trẻ thường có tâm lý thi nhan sắc nhằm “đổi đời”, nếu được danh hiệu như hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi... sẽ dễ dàng bước chân vào làng giải trí, tham gia đóng phim, làm ca sĩ, người mẫu.

Thi sắc đẹp: Nhiều quá hóa... nhảm

 

Một điểm đáng chú ý khác, không ít các cuộc thi nhan sắc “ao làng” thời gian qua có cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp.

Nếu các cuộc thi có truyền thống và “danh chính ngôn thuận” có thành phần ban giám khảo ở các lĩnh vực xã hội học, nhân trắc học, mỹ học, nhiếp ảnh gia và nghệ thuật biểu diễn thì đa số cuộc thi “ao làng” có giám khảo chỉ là ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình có chút tên tuổi, chẳng khác gì một chương trình giải trí.

Đó là chưa kể, nhiều cuộc thi nhan sắc trá hình, không được cơ quan chức năng ngành văn hóa cấp phép nhưng vẫn tìm mọi cách lách luật tổ chức khiến dư luận bức xúc.

Đến những tai tiếng

Mục đích của việc thi nhan sắc nói chung đều nhằm tìm ra người đẹp có đủ phẩm chất, có kiến thức và vẻ đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn để tôn vinh, vinh danh.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước thời gian qua, không ít tai tiếng từ đơn vị tổ chức đến thí sinh đã diễn ra. Đặc biệt, một số thí sinh từng thi nhan sắc không tham gia lĩnh vực nghệ thuật hoặc ngành nghề khác mà lại có hành vi phạm pháp.

Minh chứng là cách đây không lâu, Công an TP.HCM đã bắt quả tang Nguyễn Thị N. (31 tuổi, Á khôi 1 cuộc thi Cuộc chiến sắc đẹp năm 2017), Phạm Thị Thanh H. (Hoa khôi Thời trang Việt Nam 2017) cùng nhiều “chân dài” khác tổ chức bán dâm cho khách với giá hàng ngàn USD. Sự việc này làm xôn xao làng giải trí và gây bức xúc trong dư luận.

Không đến mức như hai trường hợp kể trên, thí sinh Nguyễn Thị Bích Nga tham gia cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp từng trải lòng, kết thúc cuộc thi đoạt giải cao nhất với số tiền thưởng 40 triệu đồng nhưng hơn 1 năm trôi qua không nhận được bất cứ một khoản tiền nào, kể cả cup Nữ hoàng, vương miện từ Ban tổ chức.

Hoặc người đẹp Ngọc Trinh thi Hoa hậu Trang sức Việt Nam và đạt danh hiệu Hoa hậu Áo dạ hội. Nhận giải thưởng chưa lâu, Ban tổ chức đã tước danh hiệu và yêu cầu Ngọc Trinh bồi thường hơn 14 triệu đồng vì thí sinh này đã không cung cấp giấy tờ còn thiếu trong hồ sơ.

Hay như cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam các năm đều dính tai tiếng. Đó là sự việc người đẹp Trương Thị May đạt danh hiệu Á hậu chưa có bằng tốt nghiệp THPT và là dân tộc Kinh nhưng khai là dân tộc Khmer để dự thi. Sau đó là trường hợp của Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh bị tố mua giải với giá 1,5 tỷ đồng.

Tiếp đến là scandal hoa hậu Triệu Thị Hà xin trả vương miện với lý do bị Ban tổ chức o ép, lợi dụng sức lao động, nhất là bị Ban tổ chức bắt đi tiếp khách lúc nửa đêm không rõ lý do...

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tai tiếng và nở rộ thi nhan sắc kể trên xuất phát từ ý thức yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của nhà tổ chức. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ngành văn hóa chưa thật sự quyết liệt, tỉ mỉ trong việc cấp phép với các cuộc thi trong nước.

Chính vì điều này, không ít danh hiệu và vương miện đã được trao trong cuộc thi nhan sắc trở nên rẻ rúm, tầm thường và khiến công chúng có những hoài nghi về chất lượng các cuộc thi sắc đẹp trong nước!

Phạm Quỳnh

Theo suckhoedoisong