Thuốc cam trôi nổi vỗ béo trẻ nhỏ gây nhiễm độc chì

Sinh con lành lặn khoẻ mạnh nhưng chỉ vì ham “vỗ béo”, muốn con mau tăng cân cộng với sự mù mờ thiếu hiểu biết mà nhiều bà mẹ đã vô tình hại con bằng những gói thuốc cam của các “lang vườn”.

Hiện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị và theo dõi cho hơn 200 trẻ em bị ngộ độc chì nặng do thuốc cam trôi nổi. Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ rất dễ nhiễm độc chì từ thuốc cam không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định, ngay cả khi liều dùng rất ít và trẻ phải chịu những di chứng nặng nề đến suốt cuộc đời.

Trước đó, nhiều trường hợp bệnh nhi co giật, hôn mê vì thuốc cam. Bệnh viện Nhi Trung Ương từng tiếp nhận một trường hợp trẻ ngộ độc thuốc cam. Đó là một bệnh nhi nhỏ tuổi, bé T.N.Vũ ở Quốc Oai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân rồi rơi vào trạng thái li bì, tím tái.

Được biết, trước đó 1 tháng, do sốt ruột vì con trai biếng ăn, tăng cân kém, chị Lan - mẹ bé Vũ đã mua 1 lạng thuốc cam pha với nước cơm cho con uống liên tục trong vòng 1 tháng. Đến ngày 24/11, thấy bé co giật nửa người trái kèm theo mệt mỏi, bỏ bú, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đến hiệu thuốc cam trên phố Hàng Bạc với biển ghi thuốc cam gia truyền, khi phóng viên hỏi mua thuốc cho trẻ 2 tuổi, biếng ăn, chậm lớn, bà chủ giới thiệu sản phẩm thuốc cam đựng trong túi nilong trắng, với hai loại gồm: Loại túi to 50 gói và túi nhỏ giá 100.000 đồng/20 gói.

Thuốc cam trôi nổi vỗ béo trẻ nhỏ gây nhiễm độc chì
Cửa hàng bán thuốc cam ở phố Hàng Bạc

Cầm gói thuốc trên tay với nhãn ghi thông tin khá sơ sài về công dụng của thuốc, thành phần, cách dùng và địa chỉ cửa hàng, PV tỏ ý nghi ngại, bà chủ vội lý giải: “Trước đây thuốc cam ở đây cũng đóng trong hộp nhưng thỉnh thoảng phải thay đổi mẫu mã, cách đóng gói để thu hút khách hàng. Trong thành phần thuốc nhà tôi làm gì có chì, chị yên tâm sử dụng cho bé. Giá phải chăng có 100.000 đồng/20 gói mà bé ăn được khỏe mạnh thì còn gì bằng”.

Thấy khách chưa ưng, bà chủ giải thích thêm: "Nhà tôi ghi hẳn địa chỉ cửa hàng đây, nếu sử dụng có vấn đề gì còn có chỗ mà phản ánh, đối chiếu chứ không như nhiều người mua thuốc không rõ địa chỉ, không phải thuốc gia truyền khi dùng rồi sinh phản ứng phụ thì kêu được ai, tiền mất lại tật mang".

Khi được hỏi về hiện tượng thuốc cam có chì gây ngộ độc cho trẻ nhỏ, bà chủ cửa hàng có thâm niên làm việc trong ngành y học cổ truyền, chia sẻ: "Theo tôi hiểu, chì ở đây không phải là người ta bỏ chì vào thành phần thuốc để pha chế, bởi để làm ra một loại thuốc họ cũng là những thầy lang có kiến thức về nghề đã từng được đào tạo".

"Tuy nhiên, trong thuốc đông y, một bài thuốc thường phải kết hợp nhiều vị với nhau, nhiều khi sự kết hợp giữa vị thuốc này và vị thuốc kia có phản ứng phụ gây ra chất có hàm lượng và công thức tương đối giống chất chì, chứ làm thuốc cho trẻ sơ sinh có thể dùng được thì ai nỡ lòng nào làm vậy chứ", bà chủ hiệu 59 Hàng Bạc nói.

Trước đó, vào đầu năm 2012, Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm “thuốc cam” và bệnh phẩm thì có 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu 85% chì). Mặc dù không hề được đăng ký kiểm đinh, cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng những loại thuốc cam này vẫn trôi nổi trên thị trường và được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con.

Từ sự mù mờ trong thông tin, coi thường việc tự kê đơn thuốc đến sốt ruột, nôn nóng với cân nặng của con mà nhiều bà mẹ đã vô tình khiến trẻ bị ngộ độc thuốc cam. Ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam sẽ không thể hiện ngay lập tức nhưng nó ngấm dần vào cơ thể và gây ra rất nhiều tổn hại, thậm chí nếu có phát hiện chữa trị, cả chục năm sau lượng chì cũng chưa thể thoát ra khỏi cơ thể trẻ.

Phòng tránh nhiễm độc chì ở trẻ em

Chia sẻ trên Zing news, BS. Đào Hữu Nam, Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi TW cho hay "Để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc nam để uống, bôi. Khi có bệnh, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng", 

Thuốc cam trôi nổi vỗ béo trẻ nhỏ gây nhiễm độc chì
Thuốc cam trôi nổi trên thị trường, không nhãn mác không kiểm định.

Ngoài ra, gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay, cắt móng tay, tránh để trẻ mắc thói quen đưa tay và mọi vật lên miệng; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên (còn gọi ngộ độc trường diễn) có thể xảy ra do ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy...

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể. Cha mẹ cần lưu ý đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ) xem có chứa chì quá giới hạn cho phép.

Cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt.

Nhiễm độc chì ảnh hưởng về lâu dài và điều trị mất nhiều thời gian

Về độc tính, các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng.

Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống, nhưng nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Dù bị nhiễm độc chì ở nồng độ thấp hay cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiễm trì nặng, không được thải độc kịp thời để lại di chứng nguy hại. Các cháu bị nhiễm chì sẽ bị suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy.

Đặc biệt, nồng độ chì trong máu có tương quan với chỉ số IQ của trẻ, nồng độ nhiễm chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ sẽ càng giảm. Để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể phải có quá trình điều trị lâu dài vì chì có thời gian bán thải rất dài có thể tới vài chục năm.

Theo PGS Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thì ngoài những tác hại trên, nhiễm chì cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục sau này của trẻ. Thời gian bán thải của chì rất dài, nhất là những trường hợp chì đã gắn vào xương.

Theo PV (nguoitieudung)