Trái cây nhập ngoại và sự tin tưởng của khách hàng Việt

Trong 6 tháng đầu năm, lượng hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc... tăng vọt phần nhiều là do được giới nhà giàu Việt ưa chuộng và săn đón, cho dù giá chênh lệch rất cao so với hoa quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá bán thì mỗi nơi mỗi khác, chênh lệch rất lớn về giá, khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng thật của các loại trái cây này... Phải chăng là trái cây Trung Quốc "đột lốt"?

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 351 triệu USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ 2 năm trước đó. So với cùng kỳ 2013, con số này cũng tăng trưởng gấp đôi. 

Đặc biệt, con số nhập khẩu rau quả từ một số thị trường tăng mạnh như Australia tăng 4 lần đạt gần 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD. Tính riêng tháng 6, giá trị nhập khẩu rau quả từ 2 thị trường này tăng gấp 3 lần.

Trong năm 2015, Việt Nam đã chi 200 triệu USD để nhập rau quả từ thị trường Thái Lan, do đó quốc gia này đã chính thức vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí quán quân về xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam. 

Và tính tới thời điểm hiện nay, Thái Lan vẫn là nước cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt 144 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (với 78 triệu USD).

Mỹ cũng nằm trong số 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều rau quả nhất với 32 triệu USD. Rau quả từ thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil cũng đều tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tuy có tăng nhưng mức độ chậm, chỉ khoảng 30%, đạt 80 triệu USD. 

Giá chênh lệch gấp 2 - 3 lần

Hiện nay trên thị trường, các loại hoa quả nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, Úc, New Zealand được bán với giá cao gấp nhiều lần so với mặt hàng trong nước hoặc từ thị trường Trung Quốc. 

Trái cây nhập ngoại và sự tin tưởng của khách hàng Việt
Dù giá cao hơn 2 - 3 lần nhưng người Việt vẫn chọn hàng nhập. (Ảnh:News.zing.vn)

Hiện tại, trái cây nhập khẩu từ các nước có mặt ở khắp nơi trên thị trường trong nước, từ các chợ đến các siêu thị lớn như: Big C, LotteMart… Song mức giá mỗi nơi một khác. Đơn cử, cùng là táo Fuji Mỹ, nhưng ở Big C Thăng Long (Hà Nội) giá 74.900 đồng/kg, ở siêu thị Lotte Mart (phố Tây Sơn, Hà Nội) lên tới 89.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cam Mỹ và kiwi vàng New Zealand ở Big C có giá 75.900 đồng/kg và 175.900 đồng/kg, sang tới Lotte Mart giá cam giảm 10.000 đồng còn 64.500 đồng/kg, giá kiwi giảm 25.000 đồng còn 147.000 đồng/kg.

So với giá cùng loại trong nước, giá trái cây nhập cao hơn gấp nhiều lần. Như nho đen không hạt Mỹ 247.500 đồng/kg, nho xanh không hạt Mỹ 176.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá nho đỏ Ninh Thuận hiện là 43.800 đồng/kg, nho xanh Phan Rang giá 60.000 đồng/kg. Hay cam Mỹ là 64.900 đồng/kg, quýt Mỹ là 137.500 đồng/kg, trong khi cam sành Việt Nam 44.500 đồng và quýt loại 1 giá 75.000 đồng/ký.

Ngoài các siêu thị lớn, nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu trên thị trường và ở chợ dân sinh cũng có mức chênh lệch về giá đáng kể, lên tới hàng trăm nghìn đồng. Không những vậy, trên các trang mạngxã hội, người bán hàng online thường xuyên quảng cáo rầm rộ với mức giá thật rẻ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong khi chất lượng và nguồn gốc thật của các mặt hàng hoa quả này không thực sự rõ ràng. Chính sự nhập nhèm về giá cả các loại trái cây cùng xuất xứ đã khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng thật của những mặt hàng này, nghi là hàng Trung Quốc "đột lốt".

Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội kiến nghị người tiêu dùng nên hạn chế tiêu thụ các loại trái cây trái mùa vụ, các loại quả được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho bản thân và gia đình.

Theo Ngọc Bích - Trần Lợi (Tieudung24g)