‘ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được tuyển sinh ngành Y’

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa và Dược học trong năm nay, dù đã được Bộ GD&ĐT cho phép.

Chiều 25/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga – người ký quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo hai ngành mới là Y đa khoa và Dược học – cho biết, việc này đã được xem xét kỹ.

Theo ông Ga, Y là ngành đặc thù nên Bộ GD&ĐT chỉ cho phép trường mở ngành đào tạo khi được sự đồng ý của Bộ Y tế.

Sau khi có ý kiến của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT kiểm tra thấy ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên đồng ý cho phép trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được tuyển sinh ngành Y
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT
.

Trước câu hỏi của phóng viên về y tế đang thừa nhân lực, tại sao Bộ vẫn cho phép trường tuyển sinh, ông Ga trả lời, thừa hay thiếu nhân lực do ngành dọc quản lý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ga cũng cho hay, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành này trong năm nay, vì đã hết hạn tuyển sinh chung của cả nước.

Lãnh đạo ngành giáo dục cũng khẳng định, không có chuyện thí sinh bằng hoặc cao hơn điểm sàn một chút là vào được Y và Dược, vì đây là những ngành hot.

Trước đó, ngày 19/11/2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa (mã số 52720101) và Dược học (mã số 52720410).

ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được tuyển sinh ngành Y

“Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”, quyết định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu rõ.  

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, trường đã chuẩn bị cho việc đào tạo hai ngành mới này từ 2 - 3 năm nay. Hiện tại, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy đáp ứng yêu cầu, trường mới được cấp phép đào tạo.​

Đại học này dự kiến tuyển sinh hai ngành học mới từ tháng 12 tới, theo hình thức xét tuyển (nhận hồ sơ từ 20 điểm). ​

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trước đó là ĐH Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội) là trường tư thục, được thành lập tháng 6/1996.

Năm học 2015-2016, trường xét tuyển thí sinh theo hai phương thức.

Phương thứ 1: Có điểm thi đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT. 

Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập (học bạ) bậc trung học phổ thông (hoặc tương đương).

Điểm trúng tuyển vào các ngành của trường thấp nhất 12 và cao nhất 15 điểm.​

Cư dân mạng xôn xao

Ngay sau khi quyết định của Bộ GD&ĐT lan truyền trên mạng Internet, nhiều thành viên của một diễn đàn về ngành Y băn khoăn, liệu có nên cấp phép cho trường ngoài công lập đào tạo Y - Dược?

Bạn Thanh Bình cho rằng, ĐH Y Hà Nội có giá như thế nào ai cũng biết, vào được trường rất khó. Sinh viên học hành vất vả. Một trường đại học dân lập đào tạo bác sĩ có bảo đảm chất lượng?

Tài khoản Facebook Nguyễn Vân nêu quan điểm, đến ĐH Bách Khoa Hà Nội còn không đạo tạo Y dược, cùng lắm chỉ có ngành Điện tử Y sinh. Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo điều dưỡng như ĐH Thăng Long đã là "nới tay" rồi.

Bạn Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Y đa khoa có chút gì liên quan?

Nickname Nắng Ban Mai cho rằng, vấn đề không phải công lập hay dân lập mà là việc đào tạo của trường đó. Kinh doanh, kỹ thuật sai còn sửa, y là làm trên mạng sống con người.

Người dùng Soan Thang nêu ý kiến: Muốn biết tại sao được ký phải xem tờ trình và đề án mở ngành. Căn cứ phải dựa trên nhu cầu xã hội chứ không phải nhu cầu trường. Căn cứ phải dựa trên năng lực và số lượng nguồn nhân lực hiện có của ngành. Căn cứ phải dựa trên nguồn nhân lực nhà trường. Tất cả phải có sự đồng ý của các bộ liên quan. Để học Y phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu gần 200 tín chỉ và khoảng 40 bộ môn với xấp xỉ 60 học phần…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cho thêm trường đào tạo ngành Y nhằm giảm tải cho tình trạng khám chữa bệnh hiện nay.

“Xã hội đang cần những bác sĩ thật sự có tài. Không phải riêng ĐH Y sản xuất ra những người giỏi. Hãy để cơ hội cho những viên ngọc kém may mắn được mài sắc. Hãy mở rộng tầm mắt, cởi lòng, và nhìn các trường ĐH tổng hợp ở nước ngoài. Hãy nhìn bệnh viện trường ĐH của trường kinh tế, thể dục, văn hóa, xã hội... ở nước ngoài”, bạn Hoàng Luân viết.

 

Theo Phan Lê (zing)