Giáp Tết, thực phẩm khô 'hút' người dùng nhưng chất lượng vẫn 'nhập nhèm'

Cận Tết, nhiều loại thực phẩm khô đang thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

Lo giá tăng, người tiêu dùng tranh thủ mua hàng sớm

Dù còn tới 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018 nhưng hiện tại, theo quan sát của PV, nhiều mặt hàng thực phẩm khô chuyên dụng cho ngày Tết như măng khô, nấm hương, miến, mộc nhĩ… tại các chợ ở Hà Nội đã được các thương lái bày bán rộng rãi với sự đa dạng về chủng loại, giá cả.

Ở mùa mua sắm năm nay, giá cả của các mặt hàng thực phẩm khô đang bắt đầu tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng ngày lớn nhiều vào dịp cận Tết. Do ưu điểm của mặt hàng này là bảo quản được lâu nên không ít người đã tranh thủ mua sớm để đề phòng việc giá tăng.

Cụ thể, tại các chợ như chợ Sinh Viên (Cầu Giấy), chợ Mỹ Đình, chợ Xuân Đỉnh (Từ Liêm)…các loại măng khô tăng giá từ 130-350 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại măng khác nhau. Đơn cử măng vầu có giá từ 180 nghìn đồng/kg, măng củ giá từ 220 nghìn đồng/kg, măng xé sợi thường có mức giá cao nhất lên tới 350 nghìn đồng/kg…

Giáp Tết, thực phẩm khô 'hút' người dùng nhưng vẫn thiệu độ 'an toàn'

Các loại thực phẩm khô như măng, miến, mộc nhĩ.. được nhiều người tiêu dùng mua sớm nhằm tránh hiện tượng tăng giá cận Tết. 

Các tiểu thương cho biết, do xu hướng nhiều người dân thường tích trữ đồ khô cho dịp Tết vì vậy mà các loại nấm hương, mộc nhĩ cũng được bán khá chạy. Giá mộc nhĩ hiện dao động từ 80-140 nghìn đồng/kg, hành khô từ 40-80 đồng/kg, miến khô từ 50-70 nghìn đồng/kg…Theo dự đoán của tiểu thương, giá của các mặt hàng thực phẩm khô có thể tăng ít nhất từ 10-50 nghìn đồng/kg khi càng về Tết, lượng người mua càng nhiều.

Trao đổi với PV, một chủ quầy hàng thực phẩm khô tại chợ sinh viên (Cầu Giấy) cho biết: “Năm nay nhiều gia đình đi mua sắm các mặt hàng măng khô, miến khô, nấm hương sớm hơn so với mọi năm. Một phần là tâm lý sợ giá bị đẩy lên cao, thêm nữa là các loại thực phẩm khô này có thể bảo quản trong thời gian dài được. Cũng có người lo rằng càng gần Tết, hàng sẽ càng kém đi về chất lượng và xảy ra tình trạng hàng vét, hàng tồn”.

Chất lượng, nguồn gốc vẫn ‘nhập nhèm”

Qua quá trình tìm hiểu thực tế tại các chợ, PV nhận thấy có không ít các sản phẩm thực phẩm khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ…được người bán giới thiệu là “cây nhà lá vườn” và nhập từ những nơi đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ, các mặt hàng nêu trên được bày bán trong những túi nilon thô sơ, không nhãn mác, không có thông tin chứng minh nguồn gốc. Thậm chí, nhiều loại thực phẩm khô còn được bày thẳng ra sàn chợ, bên cạnh là rác thải, nước bẩn rất mất vệ sinh. Không những thế, có những mặt hàng như măng khô, nấm hương do bảo quản kém nên khi đem ra bán đã có dấu hiệu lên mốc. Điều đáng chú ý là dù chất lượng không đảm bảo, loại thực phẩm này vẫn được thương lái “hét” giá cao.

Mặc dù những hệ lụy về các mặt hàng thực phẩm khô không đảm bảo chất lượng đã được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo nhưng với không ít người dân, việc mua hàng vẫn chỉ phụ thuộc vào “cảm tính” và mắt thường “thấy sao mua vậy”.

Khi được hỏi về việc làm sao để chọn mua được thực phẩm khô đảm bảo an toàn, chị Minh (Từ Liêm – Hà Nội) cho rằng yếu tố mà chị cũng như nhiều người tiêu dùng dựa vào để nhận định là màu sắc và đặc điểm bên ngoài của sản phẩm.

“Ví dụ khi chị mua măng khô thì chị sẽ nhìn màu sắc. Măng ngon trông sẽ tối màu hơn một chút bởi măng kém chất lượng người ta hay dùng thuốc tẩy, phẩm màu làm cho sáng hơn. Mua măng khô thì nên kiểm tra xem có bị mốc hay không. Với miến khô cũng vậy, chị hay chọn loại có màu kém hơn chút nhưng sẽ an tâm hơn vì đó là sản xuất thủ công, người ta không dùng phẩm màu”, chị Minh cho hay.

Cũng theo chị Minh, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm khô rất khó bởi người bán nào cũng luôn quảng cáo là hàng của họ đảm bảo, lấy từ quê hay những vùng đặc sản.

Giáp Tết, thực phẩm khô 'hút' người dùng nhưng vẫn thiệu độ 'an toàn'

Măng khô, miến khô được bao bọc thô sơ, khó xác định nguồn gốc.  

Trên thực tế, việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm khô không rõ nguồn gốc tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe và đã không ít lần, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Trong đó, nấm mốc là một trong những hiện tượng xảy ra phổ biến ở các mặt hàng này. Theo PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (phòng Công nghệ Sinh học Môi trường, Viện Công nghệ Sinh học – Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), độc tố Aflatoxin thường có trong các thực phẩm khô đã lên mốc. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính (liều gây chết người khoảng 10mg), độc tố Aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.

Liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Đinh Duy Kháng, Trưởng phòng Vi sinh vật Phân tử (Viện Công nghệ Sinh học) cũng cho rằng việc sử dụng lại các thực phẩm khô bị lên mốc là việc làm sai khoa học, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Ông Kháng cũng nói thêm rằng, chất Aflatoxin không chỉ độc vì có nhiều trong thực phẩm khô, gây nên bệnh ung thư gan mà còn độc ở sự tồn tại dai dẳng của nó. Nó được sinh ra dưới dạng là chất hóa học, vì thế chất Aflatoxin không bị mất đi khi xử lý ở nhiệt độ nóng hay thậm chí là nhiệt độ sôi (100độC).

“Để loại bỏ chất độc này cần nhiệt độ cao hơn nhiệt độ sôi, tuy nhiên, việc đó cũng chỉ giúp hạn chế một phần nào chứ không loại bỏ được hoàn toàn. Cụ thể, với nhiệt độ rang, sấy từ 150 đến hơn 200độC sẽ loại bỏ được một phần nấm mốc”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Theo tài liệu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, độc tố aflatoxin rất bền với nhiệt. Khi đem thực phẩm khô mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Các nghiên cứu cho thấy rang lạc ở 150độC trong 30 phút, Aflatoxin B1 giảm trung bình 80% và Aflatoxin B2 giảm 60%. Như vậy, thực phẩm mốc dù được chế biến ở nhiệt độ cao, ăn vào vẫn có thể gây nguy hiểm.

Phong Lâm

Theo VietQ