Sự thật về những lần cưới vợ không thành của Trịnh Công Sơn

Dù tài hoa lỗi lạc, được người đời nhớ đến, nhiều cô gái đẹp ngưỡng mộ, nhưng đường tình duyên và hôn nhân của ông thì lận đận, đen đủi đến nỗi mấy lần muốn cưới vợ cũng “đứt gánh giữa đường”...

trịnh công sơn

Hôn nhân … đứt đoạn

Năm 1983, Trịnh Công Sơn chuẩn bị cưới vợ lần thứ nhất, người phụ nữ ấy có tên là C.N.N. sống ở Paris, Pháp. Thư từ Sài Gòn gửi cho Bửu Ý vào ngày 30/7/1983, Trịnh viết: “Moi sẽ làm đám cưới trong tháng tới. Cố gắng vào thì vui hơn”; nhưng dự định cưới vợ không thành.

Năm 1989, ông sang Pháp theo lời mời của Nhà Việt Nam tại Paris. Tại đây, ngoài những bài thân thuộc với khán giả, ông và Thanh Hải, từ Đức sang, hát một loạt bài sáng tác trong giai đoạn 1972 - 1975 nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, và thêm một số bài mới viết sau 1975 mà tại Paris ít người biết tới. Ông đã gặp Khánh Ly tại Paris sau 14 năm xa cách, tuy nhiên không thể tổ chức được gì dù có sự hiện diện của hai nhân vật nổi tiếng một thời này, vì ở hải ngoại một số người cực đoan cũng bài xích ông là “kẻ hèn nhát, kẻ phản bội quốc gia”.

Năm 1990, hình như Trịnh Công Sơn cũng có ý định cưới vợ một lần nữa, người phụ nữ này là V.A., nhưng cuối cùng rồi chuyện cũng không thành, và trong tình yêu ông vẫn là chàng lãng tử cô độc “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”... cho đến cuối đời.

Năm 1992, sau khi mẹ mất, ông suy sụp hoàn toàn, ông sang Canada thăm những người em, để mong tìm chút hơi ấm tình thân. Trịnh Công Sơn viết: “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50, điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn”.

Những năm 90, sau thời kỳ đổi mới của đất nước, nhạc của ông lại được hát rất nhiều trong các chương trình ca nhạc, chủ yếu là những bản tình ca. Năm 1995, ông sáng tác bài “Sóng về đâu”, một bài hát nói về tình yêu lấy cảm hứng từ câu kinh đạo Phật mà ông rất thích. “Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha” (Yết đế, Yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha). Trịnh Công Sơn dịch ra chữ quốc ngữ đại để là: “Vượt qua, vượt qua, tất cả chúng ta đều vượt qua, và đến bờ giác ngộ”.

Cuối năm 1998, sau 35 năm ra trường, lần đầu tiên ông trở lại trường Sư phạm Quy nhơn nhân dịp thành phố Quy Nhơn tổ chức kỷ niệm Bình Định 400 năm tuổi. Cùng đi với ông lúc ấy có các nhạc sĩ khác trong nhóm “Những người bạn” như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên... Đó là một đêm đầy cảm động. Cả hội trường Đại học Quy Nhơn nghẹt kín sinh viên. Sinh viên Đại học Quy Nhơn đón ông như đón một người anh trai lâu ngày trở về.
Có những bài ông vừa hát, sinh viên phụ họa hát theo như một dàn đồng ca đã được tập dượt trước. 12h đêm chương trình chấm dứt, nhưng các sinh viên vẫn quây lấy ông chụp hình kỷ niệm, ông xúc động kể lại những năm tháng ông học tại sư phạm Quy Nhơn thời 1962 -1964, và hát say sưa không biết mệt.

“Festival Huế 2.000” là một sự kiện văn hóa của cả nước, trong Nhật ký Huế ông viết: “Tháng Tư năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2.000... Cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival... Vì tôi là thằng con của Huế... Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn có hạnh phúc nhiều lắm”. Trở lại Sài Gòn, ông ngã bệnh phải đưa vào bệnh viện. Những năm sau này ông thường xuyên bị bệnh, sức khỏe giảm sút rõ rệt.

Khi người đời vẫn nhớ … “con chim nhỏ”

Ca khúc cuối cùng ông sáng tác trên giường bệnh là bài “Biển nghìn thu ở lại”. Và ngày 01/4/2001, Trịnh Công Sơn qua đời, “Con chim nhỏ hát chơi trên đầu ngọn lau” không còn nữa, vết chim hạc để lại trên cõi trần đúng 62 năm.

Cái chết cùa Trịnh Công Sơn làm chấn động những người dân Việt cả trong nước và ngoài nước. Hàng triệu trái tim lặng lẽ khóc thương, hàng ngàn người đi sau linh cữu ông, chưa có một đám tang nào mà mọi người lại yêu thương nhau đến vậy, tất cả cùng nắm tay và hát trong nước mắt bài “Cát bụi” và “Một cõi đi về” theo tiếng kèn thống thiết của Trần Mạnh Tuấn.

Người đời tinh lắm, Trịnh Công Sơn đã cho cuộc đời trái tim ông, ngày ông mất người đời đã cho lại ông tất cả.

“Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình, mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ”.

Theo Hà Thanh (Gia đình & Pháp luật)